'Gập ghềnh' đường đến trường sau bão
Năm học mới 2024-2025 bắt đầu cũng là lúc huyện vùng cao Nguyên Bình lại càng thêm khó khi gồng mình gánh chịu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình là một trong những xã đang chịu ảnh hưởng nặng nhất của sạt lở với 11 người thiệt mạng, nhiều tuyến đường đến thời điểm này vẫn đang bị chia cắt.
Tại Trường Tiểu học và THCS Yên Lạc, đến ngày 19/9/2024 học sinh bắt đầu quay lại trường để học. Đến nay, sau 3 - 4 ngày, tỷ lệ học sinh đến lớp vẫn chưa đạt 100% bởi đường đi lại khó khăn, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiềm ẩn nên nhiều phụ huynh chưa dám cho con đi học.
Em Đặng Thị Yên, học sinh lớp 2, trường Tiểu học và THCS Yên Lạc nói: "Con phải bám vào cây tre. Con bám thật chặt, vừa đi, vừa sợ ngã. Nhiều chỗ trơn không bám là ngã. Có lần bị ngã thì con và các bạn phải gạt bỏ lớp đất bẩn bám trên quần áo rồi lại tiếp tục đến trường".
Cô giáo Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Yên Lạc cho biết: “Do đường đi lại khó, chủ yếu là đi bộ nên trường chưa vận chuyển được lương thực, thực phẩm đến nấu ăn bán trú cho các em, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Mấy ngày qua, nhà trường chỉ có thể nấu mì tôm cho các em ăn tạm buổi trưa".
Tại trường Mầm non Yên Lạc, trong 3 điểm trường thì điểm trường Lũng Súng bị ảnh hưởng nặng nhất do sạt lở. Sau khi khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trường bắt đầu đón trẻ trở lại học từ ngày 16/9.
Tuy nhiên, tất cả các điểm trường chỉ đón trẻ 1 buổi/ngày do đường đi lại bị sạt lở. Điểm trường Mầm non Tàn Pà cách trung tâm xã 7 km, Điểm trường Tả Cáp cách xã 9 km; các cô giáo phải đi bộ đến trường, không mang theo lương thực, thực phẩm để nấu ăn bán trú cho trẻ.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Trong đợt mưa bão vừa qua, trường Tiểu học và THCS Yên Lạc có 2 học sinh tử vong, 57 nhà học sinh ảnh hưởng, phải di chuyển nhà ở ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhà trường hiện có 9 lớp học với 152 học sinh. Do đã đưa vào sử dụng từ lâu nên nhiều phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, phòng học khối tiểu học không đủ diện tích do tận dụng lại các phòng chờ, không có phòng chức năng.
“Vấn đề thiếu phòng học, nhà bếp, trường lớp học xuống cấp, trời mưa dột đang trở thành mối lo ngại nhất. Giờ chỉ cần mưa tiếp tục kéo dài nguy cơ sạt lở, sập lớp học là rất cao”. Cô giáo Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Yên Lạc lo lắng.
Đối với trường Mầm non Yên Lạc, theo cô giáo Tô Hồng Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, trong 3 điểm trường, có điểm trường Lũng Súng bị ảnh hưởng nặng nhất do sạt lở. Tuy nhiên hiện nay, đường vào các điểm trường khó khăn nên việc dạy và học của thầy trò nơi đây vẫn chưa thể đảm bảo.
Người dân xóm Lũng Súng 100% đều là dân tộc Dao, sinh sống rải rác, phân tán trên sườn núi cao nên việc đi học của con em rất khó khăn. Trong khi đó lớp học ở đây xây dựng từ năm 2006 đến nay đã xuống cấp, phòng nứt tường, bong tróc; không có bếp nấu ăn, nhà vệ sinh không đảm bảo. Do mưa lũ nhiều hiện nền phòng học đã bị lún, mất an toàn.
Cơn bão số 3 ảnh hưởng đối với ngành giáo dục huyện Nguyên Bình hết sức nặng nề. Thiên tai làm 2 giáo viên, 4 học sinh tử vong, 1 học sinh bị thương, nhiều học sinh có bố hoặc mẹ tử vong do sạt lở đất; nhiều trường học có nguy cơ sạt lở, ngập úng.
Đối với các điểm trường bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, các trường chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn; tiến hành rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên khi trở lại trường học - bà Vi Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình cho biết thêm.