Liên kết quốc tế, dạy SV nước ngoài có nhiều lợi ích nhưng không ít thách thức

Cần thiết đưa chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài vào cơ sở giáo dục đại học, các chương trình học bổng khuyến khích sinh viên quốc tế.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; tăng cường trao đổi học sinh sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.

Đẩy mạnh liên kết quốc tế với các trường đại học nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Quy Nhơn đánh giá: “Theo tôi, nhiệm vụ trên thể hiện rõ sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên tiếp cận những chương trình đào tạo quốc tế hiện đại, được các tổ chức uy tín quốc tế kiểm định.

Việc thực hiện nhiệm vụ này cần được tiếp tục đẩy mạnh, đồng thời cần có những chính sách cụ thể, thiết thực, khả thi để cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, trường đang làm việc với một số đại học của Anh, Pháp, Mỹ để xây dựng chương trình liên kết đào tạo đối với các khối ngành Kinh doanh và Công nghệ thông tin; đồng thời nhà trường cũng đang xúc tiến hợp tác với một số đại học, doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai chương trình thực tập (internship) cho sinh viên ngành kỹ thuật, công nghệ ô tô, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao…”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Mặc dù hiện nay Trường Đại học Tây Nguyên chưa có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, song nhà trường đã tham gia vào nhiều chương trình hợp tác quốc tế.

Nhà trường đã hoàn thành các dự án nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong giảng dạy và một số dự án được hỗ trợ bởi quỹ Erasmus+ nhằm nâng cao năng lực giáo dục đại học, thu hẹp khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế thị trường, hướng đến tăng cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với Trường Đại học Quốc Gia Chonnam (Hàn Quốc) trong đào tạo tiếng Hàn, nhận tình nguyện viên tiếng Anh, tình nguyện viên công nghệ tin học từ Đại sứ quán Mỹ và Ấn Độ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên (Ảnh: NVCC)

Hợp tác quốc tế đã giúp cho Trường Đại học Tây Nguyên nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và tăng tính hội nhập trong chương trình, bài giảng của giảng viên đồng thời hỗ trợ một phần tài chính trong các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục”.

Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng thông tin: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác và liên kết quốc tế trong giáo dục và đào tạo, bắt đầu từ những năm 2007, 2008, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã hợp tác với các đối tác quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết đào tạo ở các cấp bậc từ Dự bị đại học, đại học và thạc sĩ và vẫn tiếp tục duy trì cho đến hiện nay.

Các chương trình liên kết đào tạo mà Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã triển khai bao gồm: Chương trình liên kết dự bị đại học với đối tác Cộng hòa Liên bang Đức ( Đại học Nordhausen và Đại học Bauhaus Weimar), chương trình liên kết đại học với Đại học Mississippi chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng và Khoa học Máy tính,...

Các chương trình liên kết đào tạo đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án triển khai và đã đem đến rất nhiều lợi ích cho sinh viên và học viên. Sinh viên được tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học đối tác, được học tập trong môi trường quốc tế, sử dụng ngôn ngữ thông dụng quốc tế (tiếng Anh) và có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, đáp ứng được yêu cầu lao động trình độ cao trong khu vực và trên toàn thế giới”.

Chương trình học bổng, hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên quốc tế

Trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, các chính sách thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đóng một vai trò quan trọng. Theo đó, các trường đại học thường có những ưu tiên về chỗ ở, ký túc xá cũng như các chương trình học bổng nhằm khích lệ sinh viên quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung cho biết Trường Đại học Quy Nhơn đã có những chính sách để thu hút các sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại trường như:

“Đối với sinh viên quốc tế, Trường Đại học Quy Nhơn chủ yếu đào tạo cho lưu học sinh Lào, mỗi năm khoảng 100 em sinh viên tham gia học đại học và sau đại học.

Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập học, visa, chỗ ở ký túc xá cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường còn hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế để phát triển các chương trình nghiên cứu và trao đổi sinh viên. Đáng chú ý, trong hai năm gần đây trường đã thu hút được khoảng 20 sinh viên, học viên cao học của các đại học uy tín từ Vương quốc Bỉ như Đại học Nghiên cứu KU Leuven, Đại học Gent, Đại học HoGhent… đến thực tập” - Vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ này chia sẻ.

Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thông tin: “Sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chủ yếu gồm 2 đối tượng: Sinh viên quốc tế học tập dài hạn (trên 6 tháng) và các sinh viên quốc tế học tập, nghiên cứu ngắn hạn (dưới 6 tháng)

“Đối với các sinh viên quốc tế học tập dài hạn tại trường (sinh viên Lào, Campuchia), nhà trường có nhiều chính sách học bổng do Chính phủ Việt Nam cấp để khuyến khích các em tích cực học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhà trường có tổ chức lớp học tiếng Việt bổ trợ cho lưu học sinh.

Thấu hiểu những khó khăn trong việc học tập xa quê hương, đất nước, nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu thể thao, tổ chức các ngày lễ, Tết cổ truyền cho lưu học sinh.

Đối với các sinh viên quốc tế diện ngắn hạn, là những sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên, các khóa đào tạo mùa hè, nhà trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên tinh thần để sinh viên cảm thấy hấp dẫn, thú vị khi học tập tại đây như chia nhóm học tập, nghiên cứu bao gồm cả sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và sinh viên quốc tế với sự quan tâm hỗ trợ của các thầy cô.

Rất ít sinh viên sau khi tốt nghiệp ở lại Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, các bạn lưu học sinh đã từng học tại trường đều là cầu nối rất hiệu quả cho việc hợp tác nghiên cứu sau này. Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và quay trở về Lào, có một số sinh viên Lào đã tham gia công tác trong các Sở, Ban ngành của Lào hoặc dạy tại một số trường đại học tại Lào.

 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham dự Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo và Quản lý lưu học sinh Lào ( Ảnh: Website nhà trường)

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham dự Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo và Quản lý lưu học sinh Lào ( Ảnh: Website nhà trường)

Chính những sinh viên quốc tế này đã kết nối để thực hiện các dự án nghiên cứu phối hợp giữa nhà trường và cơ quan nơi cựu sinh viên đang công tác. Một số sinh viên trước đây học tại nhà trường, sau đó tiếp tục quay lại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội để học Thạc sĩ, Tiến sĩ và trở thành các cán bộ chủ chốt tại các cơ sở nghiên cứu tại Lào.

Như vậy, có thể nói việc sinh viên quốc tế sau khi học xong tại trường, quay trở về đất nước họ để làm việc vẫn đem lại hiệu quả tốt cho Việt Nam trên khía cạnh mở rộng các mối quan hệ kết nối, hợp tác phát triển song phương” - Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá.

Mở rộng chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài

Tuy nhiên việc liên kết cơ sở giáo dục Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài cũng như thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam vẫn còn những thách thức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung nhận định: “Các chính sách, quy định pháp luật tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là một trong những rào cản đối với việc liên kết đào tạo quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho việc liên kết đào tạo quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế, tuy nhiên theo tôi cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với bối cảnh thực tế đang diễn ra. Chẳng hạn cần hoàn thiện thêm các quy định đối với việc thuê giảng viên nước ngoài; yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp của giảng viên nước ngoài; quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; cấp phép chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài; hồ sơ xin visa và thời gian xét duyệt…”.

“Tôi cho rằng để thu hút sinh viên quốc tế, cần xây dựng chương trình dạy học bằng tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ nước ngoài khác như Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên việc này sẽ khả thi với các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng giảng viên tốt về trình độ chuyên môn, trình độ ngôn ngữ và sinh viên nhà trường có khả năng ngôn ngữ để đảm bảo chất lượng của cả việc dạy và học.

Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp tăng cường tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, trong nâng cao chất lượng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả hay không cần căn cứ vào năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Để xây dựng chương trình đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt với những ngôn ngữ chưa phổ biến với sinh viên Việt Nam như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… sẽ khó triển khai vì sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài liệu.

Hiện tại, trình độ tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác tương đương với yêu cầu giảng dạy đối với giảng viên hiện hữu cũng là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ phải tính đến việc làm sao để đáp ứng đủ các cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, thực hành, nghiên cứu khoa học” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung đánh giá.

Từ những khó khăn trên, thầy Tiến Trung đề xuất: “Theo tôi, để thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập, nghiên cứu và thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam với quốc tế cần:

Thứ nhất, về quy định pháp luật, chính phủ cần có các quy định sát thực tiễn hơn trong việc mở phân hiệu, đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo và cấp bằng khi thực hiện liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Đại học quốc tế uy tín.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học cần có chiến lược rõ ràng trong việc thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế đến giảng dạy học tập, từ đó sẽ có bước đi phù hợp theo giai đoạn về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá, tuyển sinh...".

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lien-ket-quoc-te-day-sv-nuoc-ngoai-co-nhieu-loi-ich-nhung-khong-it-thach-thuc-post246325.gd
Zalo