Gặp các tỷ phú ở đâu
Hàng năm, các tỷ phú thường tham dự một số sự kiện để phục vụ kinh doanh và sở thích cá nhân.
Tháng 1: Davos (Thụy Sĩ). Đây là nơi tổ chức cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thường xuyên có mặt tỷ phú và lãnh đạo nổi tiếng. Sự kiện dành cho người được mời, chi phí tham gia hàng chục nghìn USD. Trong thời gian tổ chức, nhiều khách sạn đóng cửa với công chúng, trong khi các căn hộ thường tăng giá gấp 10 lần. Do hầu hết nhà hàng được đặt trước, mọi người có thể phải trả 43 USD mỗi chiếc xúc xích chỉ để có cơ hội nhìn mặt các tỷ phú. Ảnh: Bloomberg.
Tháng 2: Super Bowl (Mỹ). Sở hữu đội bóng tại Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) là một trong những cách tiêu tiền phổ biến của giới siêu giàu. Do đó, không ngạc nhiên khi trận chung kết (Super Bowl) có sự góp mặt của các tỷ phú. Với fan hâm mộ giàu có, ban tổ chức và công ty du lịch không ngần ngại cấp chuyên cơ, khách sạn 5 sao, quyền đặt chân lên thảm cỏ và tham dự các buổi tiệc do tỷ phú tổ chức. Năm ngoái, CEO David Solomon của ngân hàng Goldman Sachs được cho đã mời Jeff Bezos (đồng sáng lập Amazon) hay Josh Harris (đồng sáng lập Apollo) tham gia một bữa tiệc. Ảnh: AP.
Tháng 3: Art Basel (Hong Kong). Hội chợ nghệ thuật Art Basel trở lại từ năm ngoái sau 3 kỳ gián đoạn vì dịch bệnh. Đây là nơi các tỷ phú trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật với giá đắt đỏ. Năm 2018, đồng sáng lập Microsoft Paul Allen đến đây để bán bức tranh Untitled XII, 1975 của nghệ sĩ Willem de Kooning cho một nhà sưu tầm với giá 35 triệu USD. Những tác phẩm Purple Compression (George Condo), Kisan (Kazuo Shiraga) từng được bán với giá lần lượt 4,75 triệu và 5 triệu USD. Ảnh: CNN.
Tháng 3: Wealth for Good (Hong Kong). Theo Business Insider, lịch trình hội chợ Art Basel trùng thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Wealth for Good, nhằm thu hút các tỷ phú trên thế giới lập văn phòng, đầu tư tại Hong Kong. Năm 2023, hội nghị có sự góp mặt của các tỷ phú như Jerry Yang (đồng sáng lập Yahoo), Neil Shen (đồng sáng lập công ty đầu tư Sequoia Capital) và “ông trùm” bất động sản Adam Kwok. Ảnh: Reuters.
Tháng 4: The Masters Tournament (Georgia). Đây là giải major đầu tiên trong năm của hệ thống golf chuyên nghiệp thế giới, được tổ chức tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Augusta (Georgia). Dù danh sách hơn 300 thành viên không được tiết lộ, báo cáo năm 2015 của Bloomberg cho thấy một số tỷ phú nối tiếng đã tham gia câu lạc bộ như doanh nhân Warren Buffett, Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft), Dirk Ziff (con trai nhà xuất bản William Bernard Ziff Jr.) và nhà đầu tư Stanley Druckenmiller. Vé xem giải đấu được bán dưới dạng xổ số, hoặc mua lại với giá khoảng 10.000 USD. Ảnh: Reuters.
Tháng 5: Liên hoan phim Cannes (Pháp). Về lý thuyết, đây là sự kiện trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng các tỷ phú vẫn có thể trả tiền tham dự các sự kiện bên lề. Năm ngoái, Cannes là một trong những điểm dừng chân của Jeff Bezos bằng siêu du thuyền Koru trị giá 500 triệu USD, tham dự bữa tiệc của tờ Vanity Fair tại khách sạn Hotel du Cap-Eden-Roc. Sự kiện cũng quy tụ những ngôi sao như diễn viên Robert de Niro, người mẫu Naomi Campbell và đạo diễn Pedro Almodovar. Ảnh: Vanity Fair.
Tháng 6: The Royal Ascot (Anh). Đây là lễ hội đua ngựa hàng năm do Hoàng gia Anh tổ chức. Sự kiện thường có mặt một số tỷ phú, có ngựa tham gia cuộc đua như Alain và Gerard Wertheimer (người thừa kế Chanel), Kirsten Rausing (người thừa kế Tetra Pak) và “ông trùm” ngành xây dựng Anthony Bamford. Trong hơn 200 năm, Royal Ascot chào đón hơn 300.000 người tham dự. Dù vậy, không dễ tiếp cận các tỷ phú bởi quá trình đăng ký yêu cầu 2 nhà tài trợ, quy định trang phục nghiêm ngặt (không thắt dây, nơ) và không cho trẻ em dưới 10 tuổi. Ảnh: PA Images.
Tháng 7: Allen & Co. Sun Valley Conference (Mỹ). Còn gọi là “trại hè tỷ phú”, hội nghị do ngân hàng đầu tư Allen & Co. tổ chức, thu hút những tên tuổi lớn như Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft), Mark Zuckerberg (đồng sáng lập Facebook), doanh nhân Warren Buffett và Rupert Murdoch (CEO News Corporation). Tại đây, các tỷ phú có thể đàm phán hợp tác, chơi golf, đi bộ, chèo thuyền hoặc đánh tennis. Khách tham gia hầu hết được mời từ trước với an ninh nghiêm ngặt, kể cả báo chí cũng không thể tác nghiệp tại hầu hết hoạt động. Ảnh: Bloomberg.
Tháng 8: Burning Man (Mỹ). Đây là lễ hội văn hóa của những người mang tư tưởng mới mẻ và phóng khoáng.Từ những năm 1990, Burning Man trở thành biểu tượng địa vị của tỷ phú công nghệ. Sergey Brin và Larry Page (đồng sáng lập Google) từng tham gia sự kiện suốt nhiều năm. Dustin Moskowitz, Mark Zuckerberg (đồng sáng lập Facebook) và Uber Garrett (đồng sáng lập Uber) cũng từng tham dự. Họ thường thuê chuyên cơ đáp tại sân bay tạm bợ Black Rock City, di chuyển trên xe đến những khu cắm trại sang trọng, có nội thất và đầu bếp riêng. Ảnh: New York Times.
Tháng 9: The Monaco Yacht Show. Triển lãm thu hút các tỷ phú với hơn 100 du thuyền khác nhau, chiều dài trung bình 50 m, có thang máy, quầy bar, spa, hồ bơi, phòng tập thể dục, bồn nước nóng và sân đáp trực thăng. Du thuyền của Paul Allen (đồng sáng lập Microsoft), "ông trùm casino" Steve Wynn và tỷ phú Pier Luigi Loro Piana từng được trưng bày tại triển lãm để bán hoặc cho thuê. Sự kiện cũng thu hút một số tỷ phú Nga, nhưng lệnh trừng phạt khiến họ không thể tham gia. Nếu muốn gặp mặt tỷ phú, mọi người có thể mua vé tham gia triển lãm với giá khoảng 640 USD/ngày. Ảnh: CNN.
Tháng 10: The Frieze Art Fair (Anh). Đây là hội chợ nghệ thuật thu hút các nhà sưu tầm giàu có, tìm kiếm tác phẩm đương đại đắt tiền cho bộ sưu tập. Trước đây, Steve Cohen (nhà sáng lập quỹ phòng hộ Point72), nhà kinh doanh kim hoàn Laurence Graff, và Gabrielle (vợ của nhà đầu tư Louis Bacon), được bắt gặp tham gia sự kiện, dù không rõ chi tiết tác phẩm và số tiền họ mua. Dù công chúng thể mua vé với giá khoảng 57 USD, các tỷ phú thường được nhìn thấy tại sự kiện bên lề hội chợ. Ảnh: WWD.
Tháng 11: Le Bal des Débutantes (Pháp). Sự kiện quy tụ con của người nổi tiếng, giàu có trên thế giới, chỉ được mời và không bán vé. Mỗi năm, khoảng 20 người được chọn đến Paris chụp ảnh, trang điểm, làm tóc và học nhảy waltzes. Một số nhân vật nổi tiếng từng đến như Công chúa Hélène của Orleáns, Công chúa Akshita Bhanj Deo. Những người thừa kế, có cha mẹ quyền lực như Araminta Mellon, Kayla Rockefeller, Laila Blavatnik và Amanda Hearst cũng góp mặt. Chi phí do nhà tài trợ chi trả. Ảnh: Vanity Fair.
Tháng 12: Tiệc năm mới (St. Barts). Diễn ra trên bãi biển Nikki thuộc hòn đảo St. Barts, tổ chức tiệc chào năm mới là lựa chọn của những tỷ phú như David Geffen, Barry Diller, Diane von Furstenberg và Bernard Arnault. Dù vậy, một trong những sự kiện chào năm mới nổi tiếng nhất tại St. Barts sẽ hủy bỏ trong năm nay khi tỷ phú người Nga Roman Abramovich, cựu Chủ tịch Chelsea FC, không góp mặt. Trước đây, các sự kiện của ông quy tụ màn trình diễn của Prince và Beyoncé, đồ ăn và rượu hảo hạng, cùng các vị khách như diễn viên Orlando Bloom và Rupert Murdoch. Ảnh: OldTownCrier.