Gặp 3 'Đại sứ văn hóa đọc' vùng biên Ia Grai
Ngày 27-8, tại TP. Pleiku sẽ diễn ra lễ tôn vinh các cá nhân, tập thể xuất sắc tham gia cuộc thi 'Đại sứ văn hóa đọc' tỉnh Gia Lai năm 2024. Đáng chú ý, trong 6 giải nhất cá nhân có 3 học sinh đến từ huyện vùng biên Ia Grai.
1. Chiếc bàn nước trong phòng khách của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thảo (thị trấn Ia Kha) khiến khách thăm nhà ngạc nhiên bởi dưới tấm kính mỏng là những bài thơ chép bằng chữ rất đẹp của cô học trò lớp 2. Đó là em Vũ Nguyễn Phương Chi, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ.
Chi đã đạt giải nhì nội dung “Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất” tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Gia Lai năm 2023. Bằng trí tưởng tượng phong phú, năm nay, cô học trò nhỏ rinh về giải nhất. Chi khoe: “Con tự hào vì được giải cao, được ba mẹ khen, cho đi chơi ở công viên. Con còn được mẹ tặng quà là 1 cuốn sách”.
Chị Thảo cho hay, mất đến 1 tháng, Chi mới hoàn thành bài dự thi viết tay, nội dung thuyết phục Ban giám khảo chính là phần trình bày cảm xúc khi đọc cuốn sách “Tôi đi học” của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Từ ấn tượng về một con người nghị lực, tập viết bằng chân, Chi chia sẻ: “Con mong muốn sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho các bạn khuyết tật vì các bạn đã rất nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Đó là cảm xúc đẹp đẽ mà cuốn sách mang đến cho một đứa trẻ. Vì vậy, ngoài giải nhất, Ban tổ chức sẽ trao thêm cho Chi giải chuyên đề ở nội dung “Bài chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất”.
Thích đọc sách với lý do có nhiều tranh đẹp và những câu chuyện hay, Chi được mẹ hướng dẫn thực hiện quy định đọc sách 1 giờ/ngày lúc rảnh rỗi. Chưa vào năm học mới nhưng em đã đọc gần hết sách Tiếng Việt lớp 3. “Cái lợi của việc đọc sách từ nhỏ là giúp con đọc lưu loát, khi viết ít sai chính tả. Con có thêm thú giải trí lành mạnh, giảm thời gian xem điện thoại”-chị Thảo cho hay.
2. Em Bùi Phạm Thùy Linh (lớp 4A, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Ia Kha) cũng chia sẻ niềm vui khi từ giải khuyến khích của cuộc thi năm ngoái vươn lên giành giải cao nhất của cuộc thi năm nay. Linh nói lý do đạt giải là đọc thật nhiều sách, nhờ các anh chị từng đạt giải cao hướng dẫn, góp ý thêm.
Năm nay, Linh viết cảm nhận về cuốn sách “Alice ở xứ sở thần tiên”, kể lại câu chuyện của cô bé Alice từ chỗ thấy đọc sách nhàm chán, song qua một cuộc phiêu lưu đã hiểu ra sách quan trọng như thế nào. “Sách giúp chúng ta có nhiều kiến thức, mở rộng hiểu biết”-Linh đúc rút.
Cũng như Alice, Linh từng là cô bé không thích đọc sách, song từ sự khuyến khích của cha mẹ và nhà trường mà thành em hứng thú với sách. Linh kể, trong các tựa sách yêu thích có những cuốn viết về tình cảm Bác Hồ dành cho thiếu nhi, “khi đọc sẽ hiểu cách phát triển bản thân mình tốt hơn, thấy mình cần cố gắng như thế nào”.
Chia sẻ về kế hoạch/sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc, Linh cho hay, em sẽ vận động các bạn trong lớp thành lập nhóm cùng sở thích, thường xuyên tìm đọc những cuốn sách hay và kể lại cho nhau nghe. Em cũng mong các bạn quyên góp truyện đã đọc tặng lại cho các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa. Nhận thức rõ giá trị của sách, anh Bùi Ngọc Đức-bố em Linh-cho biết, gia đình tạo điều kiện, động viên, khuyến khích con tìm đến sách để hiểu thêm về truyền thống, bổ sung kiến thức trên nhiều lĩnh vực.
3. Giàu thành tích nhất trong các “Đại sứ văn hóa đọc” vùng biên là em Bùi Thị Châu Anh (lớp 8A, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha). Đây là lần thứ ba em đạt giải nhất tại sân chơi này, tính từ năm lớp 5 đến nay. Theo Châu Anh, “phải đầu tư chất xám, phải nghĩ ý tưởng mới có tính thực tiễn”.
Trước đó, tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024, đề tài “Giải pháp phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường tiểu học, THCS tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” do em và 2 người bạn thực hiện đã đạt giải tư.
Châu Anh bày tỏ: “Sách là kho báu vô tận, đúc kết những tinh hoa, tri thức của nhân loại, là sự kết tinh của lớp lớp thế hệ… Sách như một người thầy, người bạn tri kỷ trao chiếc chìa khóa dẫn độc giả chăm chỉ đi tới thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống”. Là thành viên đội tuyển Ngữ văn của trường, đọc sách giúp em nâng cao kiến thức, tư duy logic, làm giàu vốn ngôn ngữ để viết văn hay hơn.
“Sách truyền gửi giá trị tốt đẹp từ quá khứ đến tương lai. Sách không bao giờ là lỗi thời vì mỗi cuốn sách đều mang đến điều bổ ích. Nhờ có sách mà xã hội ngày càng văn minh hơn”-em nói.
Châu Anh cho hay, em quan tâm đến việc đưa sách đến với các đối tượng khó khăn như người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, đặc biệt là trẻ em… Trong bài dự thi, em đề xuất sáng kiến vận động người thân trong gia đình làm thẻ thư viện để mượn sách đọc trong thời gian nhàn rỗi; giới thiệu sách hay cho bạn bè cùng đọc; giúp cô thư viện trường hướng dẫn các bạn tìm sách đọc, giữ gìn và bảo quản sách…
“Đại sứ” này còn mong muốn xây dựng các điểm đọc sách cộng đồng; tổ chức hoạt động đọc sách và truyền đạt kiến thức; quyên góp, trao đổi sách… Với các ý tưởng này, em còn được trao giải chuyên đề “Kế hoạch/sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất”.
Nhìn góc học tập của Châu Anh, ai cũng phải nể khi ngoài số lượng lớn sách văn học, em còn đọc cả những cuốn “nặng đô” như: “Tố Hữu, người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng”, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”… Châu Anh chia sẻ: “Sách không phải là nguồn tri thức duy nhất, nhưng em thích cảm giác chậm rãi lật từng trang”.
Trò chuyện với mẹ em, chị Nguyễn Thị Chắt, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Grai, càng thấy tình yêu với sách của gia đình, như tạo điều kiện cho con tiếp xúc với sách truyện từ nhỏ; dẫn đi nhà sách; chọn và tư vấn sách phù hợp lứa tuổi để hình thành thói quen đọc sách. Một cái cây vững chãi phải được ươm trồng, chăm chút từ khi còn là một hạt giống, là vậy.