Gạo Việt Nam lấy lại phong độ, giá xuất khẩu vượt xa các đối thủ

Xuất khẩu gạo vốn là thế mạnh truyền thống của nước ta, nay tiếp tục chứng kiến những tín hiệu vô cùng tích cực. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể…

Gạo Việt tăng giá trở lại

Gạo Việt tăng giá trở lại

Sau khoảng thời gian ngắn gạo Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài phải đối diện mức giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Thì nay, gạo Việt Nam đã dần lấy lại phong độ với mức giá xuất khẩu cao vượt trội.

Quyết định gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ cuối tháng 10 đã tạo ra một cơn địa chấn, khiến giá gạo trên toàn cầu đồng loạt giảm mạnh. Việc nguồn cung gạo dồi dào hơn từ Ấn Độ đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nước xuất khẩu gạo khác, đặc biệt là nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trái ngược với xu thế chung, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 22/11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 522 USD/tấn. Trong khi, tháng trước, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515-520 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023.

Mức giá hiện nay cao hơn hẳn so các quốc gia khác xuất khẩu cùng chủng loại như Thái Lan giá 490 USD/tấn, Ấn Độ giá 452 USD/tấn, Pakistan giá 458 USD/tấn, Myanmar 500 USD/tấn.

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam ở mức 485 USD/tấn, cao hơn so với các nước khác như Thái Lan giá 452 USD/tấn, Ấn Độ giá 438 USD/tấn, Pakistan giá 421 USD/tấn.

Trước đó, thông tin Indonesia có thể giảm nhu cầu nhập khẩu gạo trong năm tới đã gây biến động lớn về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bởi Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, Indonesia đã nhập khẩu gạo Việt Nam với tổng khối lượng đạt gần 914.000 tấn, trị giá khoảng 558 triệu USD, lần lượt tăng 27 và 54% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines vẫn là nước mua gạo Việt nhiều nhất, trên 45% tổng lượng xuất khẩu, tiếp theo là Indonesia 14,4% và Malaysia 8,5%.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu 293.484 tấn gạo nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm nay tính đến ngày 15/11 lên trên 8 triệu tấn, trị giá trên 5 tỷ USD.

Nguồn cung giảm khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng. Ngoài ra, hàng Việt chủ yếu là gạo thơm, dẻo thuộc phân khúc trung và cao cấp, cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định nhờ sự chuyển đổi về xu hướng canh tác, khi người nông dân chuyển dần sang các giống gạo chất lượng cao để xuất khẩu, hàng Việt đang khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Cập nhật thị trường trong nước, giá lúa gạo ngày 25/11 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, sau nhiều phiên tăng giảm nhẹ trái chiều tuần trước. Cụ thể, với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 10.350-10.500 đồng/kg; Gạo thành phẩm IR 504 dao động ở mức 12.450 -12.550 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ giá giá gạo đi ngang so với hôm qua. Gạo thường dao động ở mốc 16.000 - 17.000 đồng/kg. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg. Gạo thơm chào giá cao dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 21.500 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.500 đồng/kg.

Linh Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/gao-viet-nam-lay-lai-phong-do-gia-xuat-khau-vuot-xa-cac-doi-thu-post556214.html
Zalo