Gạo, thanh long Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản
Gạo, thanh long hay sản phẩm nông - thủy sản của Việt Nam ngày càng xuất hiện phổ biến trong chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản và được nhiều người Nhật ưa chuộng.
Thị trường tiềm năng cho hàng Việt
Những năm trở lại đây, thương mại song phương Việt Nam và Nhật Bản có sự tăng trưởng tích cực, nổi bật trong đó, cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ sung cho nhau. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như: Dệt may, dầu thô, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, than đá, giày dép... và nhập khẩu từ Nhật Bản các mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, vải, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất và linh kiện ô tô...
Trước đó, nhận định về quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có hợp tác kinh tế, thương mại.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 48,18 tỷ USD. Ảnh: Hùng Vương
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 48,18 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 24,59 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản đạt 21,59 tỷ USD, giảm 0,2% so với năm trước. Như vậy, trong năm 2024, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 1,7 tỷ USD của năm 2023.
Bình luận về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng kết quả này thể hiện quyết tâm, nỗ lực của của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
Ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) - cho biết, Nhật Bản là thị trường giàu tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam, trong đó, có sản phẩm đồ uống.
Phân tích rõ hơn về thị hiếu tiêu dùng tại Nhật, ông Thanh cho hay, Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn vô cùng khắt khe và cũng là một trong những thị trường trọng điểm của HABECO. Hiện tại, nhiều sản phẩm chất lượng cao của HABECO đã được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận như: Bia Hà Nội Premium, Trúc Bạch và rượu Nếp Mới, Thanh Mai...
“Sự hiện diện của HABECO tại Nhật Bản không chỉ là minh chứng cho chất lượng vượt trội mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, vị thế của sản phẩm đồ uống Việt Nam trên thị trường quốc tế” - ông Thanh thông tin.
Gạo, thanh long Việt Nam được đón nhận tại Nhật Bản
Về tiềm năng của thị trường Nhật Bản đối với doanh nghiệp trong nước, tại Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng thị trường”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nhật Bản là nước có nền công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Dù vậy, thị trường Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu lượng lớn hàng nông, thủy sản bởi nông nghiệp của Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu trong nước. Do đó, đây là một trong nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, khai thác.
Theo thống kê, hiện Việt Nam đang xuất khẩu sang Nhật Bản 6 nhóm mặt hàng chính. Trong khi đó, những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi lại chưa có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật.


Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản kết nối, giới thiệu quảng bá gạo, thanh long... tại Triển lãm Supermarket Trade Show 2025
Từ đầu năm 2025, để tận dụng cơ hội cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nông, thủy sản trong nước đón đầu xu hướng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tham gia khảo sát, làm việc với các công ty của Nhật Bản trưng bày sản phẩm hàng hóa tại Triển lãm Supermarket Trade Show 2025 diễn ra vừa qua.
Triển lãm năm 2025 ghi nhận sự tham gia trưng bày hàng hóa của gần 2.200 công ty, tổ chức của Nhật Bản và quốc tế với 3.615 gian hàng, trong đó, có 105 công ty, tổ chức từ 15 nước ngoài với 140 gian hàng. Theo ước tính của Ban tổ chức, Triển lãm đã thu hút trên 70 ngàn lượt khách tham quan, khảo sát.
Tại Triển lãm Supermarket Trade Show 2025, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã gặp gỡ, trao đổi công việc và tham quan gian hàng của nhiều công ty lớn của Nhật Bản chuyên nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, đồ uống có xuất xứ từ Việt Nam gồm gạo, bún, phở ăn liền, bánh đa nem, nước mắm, gia vị, cà phê, rượu, bia, sữa và nước dừa... Theo ghi nhận, khá nhiều khách tham quan Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm và yêu thích với các sản phẩm của Việt Nam như thanh long, gạo...
Đánh giá về dư địa hàng rau, quả khi xuất khẩu sang thị trường Nhật, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, tín hiệu đáng mừng là doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã và đang làm quen, thích nghi tốt với thị trường Nhật Bản sau khi một số loại hoa quả Việt Nam được thị trường Nhật Bản đón nhận như: Thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều, nhãn, chuối. Trong đó, thanh long, chuối được người Nhật Bản ưa chuộng.
Nhận định về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới, các chuyên gia thương mại dự báo, việc hợp tác sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác những lợi thế, ưu đãi về thuế từ các FTA như CPTPP, RCEP… Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản với lợi thế quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị-xã hội ổn định, trình độ nhân lực ngày càng cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, phát huy vai trò là cầu nối kết nối kinh doanh giữa hai nước, thương vụ luôn chú trọng đẩy mạnh công tác kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đến với các nhà nhập khẩu và chuỗi phân phối lớn của Nhật Bản. Đồng thời, tăng cường quảng bá các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.
Ngày nay, người dân Nhật Bản đã dành sự quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó bao gồm các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Các sản phẩm nông - thủy sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến trong chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado, hệ thống cửa hàng đồng giá 100 Yên...
Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với với 5.227 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 71,41 tỷ USD (tính lũy kế đến 20/10/2023).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.