Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Để việc học sớm trở lại quỹ đạo, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Toàn ngành đang chung tay khắc phục hậu quả bằng hỗ trợ về vật chất và tinh thần.

Trân trọng nỗ lực của nhà giáo

- Ngày 11/9, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Xin ông cho biết kết quả ban đầu của cuộc vận động này?

- Ngay sau khi phát động, nhà giáo và người lao động các trường học, đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm đến giáo dục đã tích cực hưởng ứng và chuyển quà, kinh phí hỗ trợ ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bão lũ.

Đến thời điểm này, ngoài bánh kẹo, quần áo được gửi đến học sinh vùng bão lũ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến trực tiếp một số trường học của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Phú Thọ.

Tại đây, đoàn đã nắm tình hình thiệt hại, những mất mát, khó khăn của nhà trường, giáo viên, nhân viên và học sinh; thăm hỏi, động viên, chỉ đạo công tác ổn định tư tưởng, sẵn sàng tổ chức dạy học ngay sau khi khắc phục hậu quả.

Từ nguồn đóng góp của giáo viên cả nước, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã gửi về tài khoản của Công đoàn Giáo dục các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và Lạng Sơn, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.

Các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Các tỉnh còn lại trong vùng bị ảnh hưởng cơn bão số 3 sẽ nhận mỗi tỉnh 200 triệu đồng. Nếu số tiền huy động tiếp tục về trong thời gian tới và căn cứ trên tình hình thực tế, nguồn hỗ trợ này sẽ được phân bổ thêm.

- Trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, trao ủng hộ cho các thầy cô giáo, học sinh vùng bão lũ. Điều gì khiến ông nhớ nhất những chuyến đi này?

- Động viên tinh thần và giúp nhà giáo, học sinh vượt qua sự hoảng loạn, hạn chế sang chấn tâm lý bởi tác động khủng khiếp của bão lũ là việc làm trước tiên mà các cấp công đoàn ở các đơn vị đang phải thực hiện.

Cùng đó, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố cùng các sở GD&ĐT đã rà soát thiệt hại, lên phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo giáo viên, học sinh và nhà trường nhanh chóng ổn định cuộc sống, tổ chức dạy học, phụ đạo cho các em theo kế hoạch dạy học năm học.

Qua bão lũ, nhiều tình cảm được gửi gắm, những tấm lòng được sẻ chia, các món quà, khoản kinh phí đến với nhà trường lúc khó khăn nhất luôn làm mỗi người cảm động và thấy ấm áp, yêu nghề hơn, trân trọng những giá trị mà nghề dạy học mang lại.

Thật cảm xúc khi chứng kiến nhiều giáo viên bỏ việc nhà, thậm chí huy động chồng con, cha mẹ và người thân đến trường dọn dẹp sau lũ đã tạo nên những hình ảnh đẹp về nhà giáo và sự tận hiến của họ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Có học sinh ở vùng lũ quét tại Yên Bái, ngay sau khi tỉnh dậy từ đống đổ nát, người mà em gọi điện đầu tiên là cô giáo chứ không ai khác. Nghe câu chuyện, ai cũng xúc động vì niềm tin của học sinh với thầy cô luôn là những giá trị không gì thay thế. Tình yêu với nghề không có gì có thể so sánh cho dù nhà giáo và nghề dạy học còn đó bao nỗi vất vả, khó khăn.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Trang

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Trang

Triệu tấm lòng hướng về vùng bão lũ

- Những ngày qua, trường học cả nước đã phát động quyên góp ủng hộ cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

- Quyên góp ủng hộ đồng bào khó khăn, hoạn nạn là giá trị truyền thống của người Việt Nam. Việc các nhà giáo, người lao động trong ngành quan tâm, thăm hỏi, động viên và chắt chiu những khoản tiền thu nhập ít ỏi của mình để hỗ trợ đồng nghiệp, học sinh trong cơn hoạn nạn cũng là nghĩa cử cao đẹp từng diễn ra và trong cơn bão số 3 khốc liệt, tinh thần của giáo viên cả nước đều hướng về thầy cô vùng bão lũ.

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ bằng vật chất, những ngày qua, chúng tôi còn nhận được cả những gửi gắm tinh thần thông qua các nền tảng số kết nối từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các trường đều tổ chức đợt quyên góp với tinh thần tự giác cao của giáo viên và học sinh. Nhiều trường coi đây là hoạt động giáo dục giá trị sống, đạo đức và tình cảm cho học sinh.

Nhiều cá nhân ngoài đóng góp chung còn gửi riêng về tài khoản. Không ít cán bộ hưu đã gửi tiền tiết kiệm của mình tới các thầy cô, trường học vùng bị bão lũ. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức trách nhiệm với ngành Giáo dục của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có mối quan tâm, ủng hộ cho ngành Giáo dục từ lâu.

- Tái thiết trường học là điều các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai phải đối mặt. Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ như thế nào?

- Những gì mà toàn ngành đã và đang làm mới chỉ là bước đầu. Sau khi các trường ổn định việc dạy học, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để giáo viên hoàn thành chương trình giảng dạy, học sinh được học đảm bảo chương trình quy định.

Ngành Giáo dục không có đủ khả năng để tái thiết lại trường học và các điều kiện đảm bảo cho việc dạy học. Bộ GD&ĐT đã và đang đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dành khoản kinh phí kêu gọi được hỗ trợ ngành để cải tạo, xây dựng lại và sớm đưa các trường học vào hoạt động.

Đồng thời đề nghị các cấp, ngành, bậc phụ huynh học sinh chia sẻ với khó khăn của ngành, chia sẻ với vất vả của giáo viên khi họ vừa phải ổn định cuộc sống gia đình, vừa chung tay cải tạo nhà trường và đảm bảo chương trình môn học, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được phân công.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-dep-them-hinh-anh-nguoi-thay-post701597.html
Zalo