Gánh nặng thế hệ ở nông thôn
Từ 3 năm qua, chị Vân phải đón mẹ chồng sống một mình về chăm sóc, sau khi bà bị đột quỵ và chỉ có thể nằm một chỗ, ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phụ thuộc người khác.
![Người cao tuổi thôn Nam Hưng, xã Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Thái Bình TV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51434219/aee4ab5f9011794f2000.jpg)
Người cao tuổi thôn Nam Hưng, xã Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Thái Bình TV.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân(*), xã Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ, cùng thôn với nhà mẹ chồng. Mẹ chồng chị Vân, năm nay ngoài 80 nhưng sống một mình, chồng mất đã lâu. Trước đây bà sống cùng con trai thứ nhưng sau đó gia đình người con này chuyển đi nơi khác làm ăn. “Giờ bà như thế, vợ chồng tôi phải đón về nhà chăm sóc, dù trước đây bà chỉ muốn ở riêng”, chị Vân, 47 tuổi, nói.
Mẹ chồng chị Vân là một trong gần 8 triệu người già Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn và tại khu vực này, việc chăm sóc người cao tuổi đau yếu khi về già đa phần đều trông cậy vào con cái. Theo chuyên khảo Người cao tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện với hỗ trợ từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật bản, trong giai đoạn 2019-2021, tổng dân số Việt Nam tăng thêm 2,07 triệu người (từ 96,21 triệu lên 98,28 triệu) thì dân số cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên) tăng thêm 1,17 triệu người (từ 11,41 triệu lên 12,58 triệu, tương ứng 12,8 % tổng dân số). Việt Nam vẫn trong thời kỳ già hóa dân số. Đa phần người cao tuổi ở Việt Nam sống ở nông thôn.
Theo chuyên khảo, trong số 12,58 triệu người cao tuổi, có 4,62 triệu sống ở khu vực thành thị (36,72%) và 7,96 triệu sống ở khu vực nông thôn (63,28%). Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê nhận định càng cao tuổi, người già ở Việt Nam càng có xu hướng sống ở nông thôn. Điều đó có nghĩa là những trường hợp cần con cái chăm sóc thường xuyên như mẹ chồng chị Vân ngày càng phổ biến: Theo khảo sát, có 4,43 triệu người cao tuổi sống độc thân hoặc trong hộ gia đình mà chỉ có người già sống với người già hoặc chỉ có người già sống với trẻ em dưới 15 tuổi.
Ở khu 15, người già sống cùng con cái là phổ biến, chỉ có một vài trường hợp như mẹ chồng chị Vân muốn ở riêng.
Chồng chị Vân có nghề thợ mộc, chị làm ruộng, phụ hồ, mỗi tháng thu nhập của cả nhà chưa đến 10 triệu đồng, trong khi phải nuôi 2 đứa con ăn học. Mẹ chồng chị Vân là nông dân, hoàn toàn trông cậy vào các con. “Mỗi tháng anh em trong nhà cũng đóng góp khoảng 2 triệu đồng đưa cho anh chị phụ giúp chăm nuôi mẹ, nhưng số tiền đó không thấm vào đâu, chưa kể chăm sóc bà nghĩa là không có thời gian đi làm việc khác”, chị Vân nói.
Theo khảo sát, cả nước có gần 800.000 trường hợp như mẹ chồng chị Vân, tức là rất khó khăn hoặc không thể thực hiện được ít nhất một trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ăn, mặc, tắm, rửa, ngồi dậy khi đang nằm, tự đi vệ sinh). Đây là những người cần có sự chăm sóc, hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày.
Các chuyên gia cho hay việc chăm sóc người cao tuổi phần lớn vẫn do người thân (vợ/chồng, con, cháu) thực hiện, trong khi tỷ lệ được chăm sóc tại cộng đồng hoặc tại cơ sở chăm sóc không đáng kể. Khoảng 90% người cao tuổi cần được chăm sóc, hỗ trợ hoạt động sinh hoạt hàng ngày muốn được chăm sóc tại nhà.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời kỳ già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc, hỗ trợ của người già, nhất là người già nông thôn đang tạo ra những thách thức đối với xã hội. 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, theo nhận định của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần V, diễn ra tháng 10/2024.
Theo thống kê, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036. Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế.
Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
"Việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi", ông Nguyễn Trung Anh nói.
Để giải quyết các thực trạng về người già ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Tổng cục Thống kê đưa ra một số khuyến nghị: Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và quản lý bệnh, ở khu vực nông thôn, khu vực dân tộc thiểu số để tăng khả năng tiếp cận của người cao tuổi tới các dịch vụ y tế; xây dựng gói dịch vụ về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, tổ chức miễn phí các lớp đào tạo kỹ năng cơ bản trong chăm sóc người cao tuổi với người chăm sóc ở gia đình; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan tới bảo hiểm chăm sóc dài hạn.
Nhóm chuyên gia cho rằng cần xây dựng các mô hình tích hợp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc. Tiếp đó, cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong chăm sóc người cao tuổi thông qua hợp tác công-tư (PPP).
Người thường xuyên phải chăm sóc người mẹ chồng đau yếu và hay cáu gắt như chị Vân thì chỉ mong có cách gì để giảm bớt gánh nặng này. “Giá mà người ta cũng tổ chức những cơ sở chăm sóc theo ngày cho người già thì hay biết mấy. Sớm đưa các cụ tới, tối đưa các cụ về. Còn trại dưỡng lão thì nhà em chẳng dám mơ”, chị nói.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.