Gắn trách nhiệm người đứng đầu, gỡ vướng đặt hàng nghiên cứu
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Luật KHCN-ĐMST cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cùng các giải pháp cụ thể cho đặt hàng nghiên cứu.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN-ĐMST) thực sự trở thành động lực phát triển thì Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần quy định rõ hơn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Bà cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đặt hàng nghiên cứu và sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách từ Bộ Khoa học và Công nghệ đã thẳng thắn chỉ ra rằng hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian qua chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, chưa thực sự là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân căn bản là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cấp còn chưa chủ động, quyết liệt.
"Thực tiễn đã chứng minh, ở những nơi người đứng đầu tiên phong trong nâng cao năng lực số, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì hoạt động khoa học, công nghệ tại đó có nhiều chuyển biến rõ rệt”, bà Hà dẫn chứng.
Theo bà Hà, việc triển khai Đề án 06 và ứng dụng VNeID là minh chứng sinh động, cho thấy nhờ sự vào cuộc đồng bộ, bài bản của người đứng đầu, hầu hết người dân có điện thoại thông minh đã cài đặt và sử dụng, thay đổi phương thức tiếp cận dịch vụ công.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định: “Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện”. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Dự thảo Luật lại chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung quan trọng này.
“Do đó, tôi kiến nghị, cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị phải trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp ủy và cấp trên về kết quả triển khai”, bà Hà nói.
Đặt hàng nghiên cứu khoa học: Tránh hình thức
Về đặt hàng nghiên cứu khoa học (Điều 12 Dự thảo), đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là cơ chế đi trước đón đầu, góp phần chủ động nguồn lực nghiên cứu, giảm phụ thuộc công nghệ nhập khẩu. Dù Dự thảo đã có tiếp thu, bổ sung quy định, nhưng nội dung tại Điều 12 và Dự thảo Nghị định kèm theo chưa thể hiện rõ tính bắt buộc và định hướng, dễ dẫn đến nguy cơ hình thức.
Từ đó, bà kiến nghị hai điểm cụ thể. Thứ nhất, hằng năm các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm ban hành Danh mục sản phẩm khoa học và công nghệ cần đặt hàng, mô tả rõ đầu ra, địa chỉ ứng dụng, tiêu chí đánh giá. "Danh mục này phải được xây dựng từ thực tiễn quản lý, từ các yêu cầu cấp thiết của kinh tế - xã hội, giúp định hướng đúng trọng tâm và nâng cao tính ứng dụng", bà Hà nhấn mạnh.
Thứ hai, cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp KHCN hàng năm của các bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng sản phẩm KHCN trong nước. "Việc quy định tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay," đại biểu phân tích. Đồng thời, bà đề nghị bổ sung quy định về phương án tài chính khoán chi cho hoạt động đặt hàng để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động, cùng các chính sách hỗ trợ đầu ra, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp: Nâng mức trích lập, gỡ "nút thắt"
Đối với quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Hà chỉ ra sự bất cập khi Dự thảo Luật quy định mức trích lập tối đa chỉ 5%, thấp hơn nhiều so với Nghị định 95/2014 (tối đa 10%) và Nghị quyết 193/2025 của Quốc hội (cho phép doanh nghiệp công nghệ cao trích tối đa 20%). Điều này, theo bà, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học. "Với quy định như Dự thảo, doanh nghiệp sẽ thiếu động lực và nguồn lực đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo”, bà lo ngại.
Theo bà Hà, ướng mắc hiện nay đó là vấn đề doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi sử dụng quỹ đã được lập ra. Nguyên nhân do quy định về xây dựng dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Thông tư 67 năm 2022 Bộ Tài chính còn chưa phù hợp. Nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ, vấn đề xây dựng các quy định, quy chế nội bộ để quản lý quỹ, vấn đề hành chính để sử dụng quỹ. Đây chính là rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị “đóng băng”.
Từ những phân tích đó, đại biểu kiến nghị, cần cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm, thử sản phẩm mẫu, tham dự hội thảo chuyên ngành, kiểm nghiệm, mua sắm thiết bị, máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.