Gan thận suýt bị hủy hoại vì thói quen xấu khó bỏ
Người đàn ông 37 tuổi nhập viện trong tình trạng viêm tụy mức độ nặng, suy gan và suy thận. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng rượu trong nhiều ngày liên tục.

Rượu bia là nguyên nhân gây ra hàng loạt những căn bệnh nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, đột quỵ, thậm chí ung thư... Ảnh: Shutterstock.
Sau nhiều ngày liên tục sử dụng rượu, anh Lục Văn T. (37 tuổi, Cao Bằng) xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn nhiều. Khi nhập viện cấp cứu, anh được đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập. Kết quả xét nghiệm máu xác định người đàn ông bị viêm tụy cấp nặng, suy đa tạng. Người bệnh nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Tại khoa Cấp cứu, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, anh T. được chẩn đoán viêm tụy cấp mức độ nặng, suy thận, suy gan cấp và có nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định lọc máu cấp cứu liên tục, kết hợp điều trị hồi sức tích cực.
Sau hơn 24 giờ lọc máu dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định. Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh được rút ống nội khí quản, mạch và huyết áp ổn định, chức năng các cơ quan hồi phục. Gần một tuần sau, anh T. hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện.
Trong dịp Tết vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận trường hợp tương tự là ông L.Q.Đ. (61 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội), nhập viện sau 10 ngày sử dụng rượu bia liên tục.

Người bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ảnh: BVCC.
Theo gia đình, ông Đ. thường xuyên mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Sáng 9/2, người thân phát hiện ông bị rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời nên nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân hôn mê sâu, hơi thở nồng nặc mùi cồn, da sạm, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chuyển hóa nặng. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt catheter lọc máu liên tục. Hội chẩn chuyên sâu xác định người bệnh bị ngộ độc methanol, tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
May mắn, sau hơn một ngày điều trị tích cực, sức khỏe ông Đ. đã ổn định hơn nhưng vẫn phải tiếp tục thở máy và lọc máu.
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nghiện và lạm dụng rượu bia có thể gây ra rất nhiều hậu quả khó lường. Một số tác hại của việc nghiện rượu phải kể đến như mệt mỏi, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ ngắn hạn, yếu cơ mắt; viêm gan, xơ gan do rượu, đột quỵ...
Tùy theo cơ địa, mỗi người có thể uống rượu với liều lượng phù hợp để giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ tim mạch, cải thiện trí não và cân bằng đường huyết. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều hoặc liên tục trong thời gian dài, rượu có thể gây tổn thương thần kinh, kèm theo rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Khi vào cơ thể, rượu được chuyển hóa tại gan, quá trình này có thể tạo ra các chất trung gian gây ngộ độc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dichj bệnh (CDC) Mỹ, uống rượu làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, trực tràng, gan và vú. Nghiên cứu cũng cho thấy tiêu thụ từ ba ly rượu trở lên mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, tụy và có thể cả tuyến tiền liệt.
Rượu làm tăng nguy cơ ung thư theo nhiều cách, từ phá vỡ chu kỳ tế bào, gây viêm mạn tính và làm hỏng DNA, khiến tế bào phát triển mất kiểm soát đến tăng nồng độ hormone như estrogen, góp phần vào sự phát triển của ung thư vú. Bên cạnh đó, rượu bia cũng làm tăng khả năng hấp thụ chất gây ung thư, đặc biệt khi kết hợp với thuốc lá.