Gần tết, nhớ dìa quê giẫy mả

Quê tôi, giẫy mả (tảo mộ) không theo phong tục xứ Bắc như Nguyễn Du viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Ở quê tôi, giẫy mả thường diễn ra từ đầu tháng Chạp đến 25 tết.

Đó là dịp để con cháu tụ hội về chăm lo phần mộ ông bà và gặp gỡ, hỏi han nhau sau một năm ít gặp.

Giẫy mả được chia làm hai lần: một lần giẫy mả họ và một lần giẫy mả gia đình. Mả họ là mả của những người từ đời ông cao trở về trước, còn lại là mả gia đình. Mả họ luôn được giẫy trước, xong phần mả họ mới được giẫy mả gia đình.

Ngày giẫy mả họ luôn đi kèm với ngày giỗ lạp, thường được tổ chức để tưởng nhớ tổ tiên hoặc người thân đã khuất. Tuy nhiên, giỗ lạp không diễn ra vào ngày mất (giỗ chính) của người đó, mà thường được thực hiện vào cuối năm âm lịch, trước tết Nguyên đán. Vì vậy, giỗ lạp còn được gọi là giỗ tháng Chạp, mang ý nghĩa là buổi lễ cuối năm để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất - đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã khuất, đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới bình an, thuận lợi. Sáng sớm, mọi người tập trung tại nhà trưởng họ, lo lau chùi bàn ghế, thắp nén nhang, phụ làm gà làm vịt để các bà, các cô ở nhà nấu nướng, sau khi giẫy mả xong về, cúng cơm ông bà. Những người giẫy mả được trưởng họ chia thành nhóm, mỗi nhóm chừng chục người, luôn có một bậc trưởng thượng dẫn dắt.

Đến nơi, con cháu, người giẫy cỏ, người phát bụi gai, nâng nền, nâng mộ… vừa làm vừa nghe chuyện dòng họ từ đời thủy tổ đến đời người nằm dưới mộ. Sau đó nghe tiếp ông/bà ấy sinh ra mấy người, con cháu là ai, giờ đang ở đâu...

Giẫy mả, không chỉ tỏ tấm lòng thành kính ông bà mà còn là dịp để ôn lại lịch sử, gia phả của cả dòng họ. Xong mả nào, thắp nhang lên phần mả ấy trong tiếng rầm rì khấn vái của bác trưởng thượng, con cháu đem nhang đi cắm những mả chung quanh, như một lời thăm hỏi của con cháu dành cho hàng xóm.

Nhớ hồi trước, mỗi lần đi giẫy mả là một dịp được gặp các bậc trưởng thượng với áo dài, khăn đóng luôn điểm danh từng gia đình rồi nhắn nhủ đến những gia đình đi thiếu, đi ít nhớ năm sau nhắc nhở con cháu về đông đủ.

Bây giờ, nhiều gia đình, con cháu đi làm ăn xa nên việc tụ họp đi giẫy mả có phần đã khác. Đến ngày giẫy mả, con cháu “đứa đầu nai, đứa đầu quế” nên chỉ gởi tiền về để mướn người làm. Nghĩ mà chạnh lòng!

Vẫn biết cuối năm trăm công nghìn việc, nhưng cứ nghĩ đến việc phải thuê người giẫy mả phần mộ ông bà thì e rằng cháu con quên dần đi cội nguồn, quên dần công lao của lớp người đi trước. Và xa hơn nữa, không chỉ làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống mà còn làm giảm đi sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình. Khi không còn những dịp đoàn tụ để tưởng nhớ tổ tiên, tinh thần gắn kết dòng họ và ý thức về cội nguồn cũng trở nên mờ nhạt.

Viết đến đây, bỗng nhớ câu ông nội Bảy thường dặn: “Tháng Chạp, nhớ dìa giẫy mả nghen bay”!

THẾ DŨNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325073/gan-tet-nho-dia-que-giay-ma.html
Zalo