Doanh nhân Cao Triều Phát: Kỳ 2: 'Kháng chiến là hành đạo'

Doanh nhân Cao Triều Phát đã cống hiến ruộng đất và tài sản để tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu.

Trên cương vị là Tổng trưởng của Đạo Cao Đài, Cao Triều Phát đã tập hợp, giác ngộ chức sắc và tín đồ đạo Cao Đài về tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, đứng lên theo cách mạng cùng toàn dân tộc chống thực dân Pháp với hai câu nói nổi tiếng: “Bàn thờ tôn giáo thì nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” và “Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo”.

Tập hợp tín đồ Cao Đài chống Pháp

Chính điều này đã khiến ông trở thành mục tiêu bị theo dõi của chính quyền thực dân. Tháng 7/1940, Thống đốc Nam Kỳ René Veber ra lệnh khám xét các thánh thất của Minh Chơn Đạo và nhà riêng của ông. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã không tìm được chứng cứ buộc tội ông.

Đến năm 1941, Cao Triều Phát được cử giữ chức Chủ tịch Cao Đài mười hai phái thống nhất ở miền Hậu Giang. Ông vẫn tiếp tục truyền đạo và tập hợp tín đồ Cao Đài chống Pháp. Đến ngày 8/4/1943, ông bị chính quyền thực dân ra lệnh quản chế trong phạm vi tỉnh Bạc Liêu, mỗi tuần phải trình diện một lần.

Cao Triều Phát làm việc tại chiến khu Đồng Tháp Mười (Ảnh tư liệu)

Cao Triều Phát làm việc tại chiến khu Đồng Tháp Mười (Ảnh tư liệu)

Tháng 8/1945, Mặt trận Việt Minh Bạc Liêu được thành lập, ông Lê Khắc Xương - Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm và ông Cao Triều Phát được cách mạng giao làm Phó chủ nhiệm. Khi thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945 đang đến gần, Cao Triều Phát đã tập hợp tín đồ Cao Đài phái Minh Chơn Đạo cũng như Đoàn Thanh niên đạo đức gia nhập Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Theo sách Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam Bộ, đêm 22/8/1945, lực lượng Đoàn Thanh niên đạo đức của Cao Đài Minh Chơn Đạo do Cao Triều Phát làm Tổng trưởng đã cùng với lực lượng thanh niên mà cách mạng nắm được đã đi khắp các ngõ phố vận động nhân dân xuống đường. Đến sáng ngày 23/8/1945, hàng vạn đồng bào và lực lượng cách mạng đã tập trung bao vây dinh tỉnh trưởng và giành được chính quyền vào 9 giờ sáng cùng ngày.

Hiến hết tài sản cho cách mạng

Sau khi Cách mạng Tháng Tám và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Cao Triều Phát đã đem hết tài sản cống hiến cho Chính phủ Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Theo đó, tháng 9/1945, hưởng ứng Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, ông đã hiến 5 nghìn hécta đất ruộng đã canh tác hơn 20 năm ở xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu để góp phần giúp đỡ chính quyền cách mạng lâm thời và nhân dân cả nước vượt qua thời điểm khó khăn sau cách mạng. Ông còn vận động người dân ở Bạc Liêu và Cà Mau cùng nhiều nơi khác góp sức cùng Nhà nước non trẻ đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, Cao Triều Phát được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Bạc Liêu rồi tham gia chỉ huy trận đánh tại Tòa thánh Ngọc Minh. Sau đó, ông được Xứ ủy điều vào chiến khu làm cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ.

Gia đình Cao Triều Phát tại chiến khu Đồng Tháp Mười (Ảnh tư liệu)

Gia đình Cao Triều Phát tại chiến khu Đồng Tháp Mười (Ảnh tư liệu)

Trong thời gian ở chiến khu, Cao Triều Phát đã phát động phong trào gây quỹ kháng chiến, vận động tín đồ Cao Đài quyên góp được 136.478 đồng, riêng gia đình ông đóng góp 1.540 đồng. (Thời ấy, một đồng mua được một giạ lúa). Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho ban tổ chức chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu Người để bán đấu giá gây quỹ giúp đỡ thương binh. Liên hiệp Công đoàn Bắc Kạn đã mua được chiếc áo ấy với giá 46.700 đồng Đông Dương. Trong khi đó, ở Nam Bộ, ông Cao Triều Phát cũng vận động bà con tín đồ đạo Cao Đài mua chiếc áo ấy với giá 100.000 đồng Đông Dương.

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Cao Triều Phát đã cống hiến quên mình và luôn đi đầu trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Cao Triều Phát tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông được lệnh tập kết ra Bắc. Năm 1954, Cao Triều Phát được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử đi dự Hội nghị Hòa bình Thế giới tại Thụy Điển.

Năm 1955, Cao Triều Phát được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội Khóa I (1946-1960), tham dự kỳ họp thứ tư tại Hà Nội.

Ngày 9/9/1956, Cao Triều Phát qua đời do bạo bệnh tại Hà Nội. Trong lễ tang của ông, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kính viếng với ba vòng hoa đều có hàng chữ “Vô cùng thương tiếc Cụ Cao Triều Phát”.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-cao-trieu-phat-ky-2-khang-chien-la-hanh-dao-315690.html
Zalo