Gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ và phát triển rừng

Với gần 37 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó phần lớn diện tích là rừng đặc dụng và rừng sản xuất, những năm qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển rừng tương xứng với tiền năng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho các hộ dân được giao rừng; đồng thời nâng cao trách nhiệm cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Toàn tỉnh hiện có gần 37 nghìn ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 11.700 ha rừng sản xuất được giao cho các đơn vị, hộ gia đình, cá nhân quản lý.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh hướng dẫn bà Hà Thị Tám, xã Đồng Quế (Sông Lô) chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cán bộ kiểm lâm tỉnh hướng dẫn bà Hà Thị Tám, xã Đồng Quế (Sông Lô) chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Xác định phát triển kinh tế rừng có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh chỉ đạo các địa phương có rừng chủ động triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng.

Đưa các giống cây lâm nghiệp mới, có năng suất, chất lượng vào trồng, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, chế biến lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Nhiều mô hình trồng rừng thâm canh với các giống cây mới đã được triển khai, nhân rộng, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Sau hơn 4 năm trồng rừng trên diện tích 1 ha đất lâm nghiệp được giao, mô hình trồng bạch đàn mô U6 của gia đình bà Hà Thị Tám, xã Đồng Quế (Sông Lô) sắp đến kỳ thu hoạch.

Bà Tám cho biết: “Bạch đàn mô U6 là giống bạch đàn mới, dễ chăm sóc, chu kỳ thu hoạch ngắn lại cho hiệu quả kinh tế cao, từ 160 - 180 triệu đồng/ha. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, việc chăm sóc, dọn thực bì được quán xuyến, theo dõi sát sao, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, cũng đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được Nhà nước giao”.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, trong đó có 47 doanh nghiệp chuyên kinh doanh, chế biến lâm sản; giai đoạn 2019 - 2024, trung bình mỗi năm, sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất khoảng 40 nghìn m3.

Nguồn tài nguyên dồi dào từ rừng là cơ sở phát triển nhóm ngành thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống; trong đó, nhóm ngành này chiếm tới 70% số lượng các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các sản vật nuôi trồng từ rừng như mật ong, các loại cây dược liệu… giúp hàng nghìn chủ rừng có thu nhập ổn định.

Tại huyện miền núi Tam Đảo, phát triển kinh tế rừng là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của địa phương. Do có diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn, nhiều hộ được giao rừng tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu như ba kích, trà hoa vàng… cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Sô, xã Đạo Trù (Tam Đảo) cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Sô, xã Đạo Trù (Tam Đảo) cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Ông Nguyễn Văn Sô, xã Đạo Trù (Tam Đảo) - một trong những người thành công với mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng quy mô 2 ha. Trung bình mỗi chu kỳ thu hoạch ba kích khoảng 3 năm, gia đình ông Sô thu về 2 - 3 tỷ đồng.

Ông Sô cho biết: “Có nhiều phương án để phát triển kinh tế từ rừng, trong đó, diện tích dưới tán rừng là tài nguyên giàu tiềm năng, có lợi trong nuôi trồng các loại động, thực vật cho hiệu quả kinh tế cao.

Thông qua việc phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thường xuyên, hiệu quả hơn. Bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của chủ rừng được nhà nước giao nhiệm vụ, mà còn gắn với lợi ích kinh tế, nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân gắn phát triển kinh tế với bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên môn tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Giai đoạn 2017 - 2024, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã lập hồ sơ xử lý 186 vụ vi phạm hành chính về chặt phá, vận chuyển, khai thác, mua bán, tàng trữ lâm sản trái quy định với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý 9 vụ án hình sự về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ.

Với nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển rừng, trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh duy trì tốt ở mức 25%, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 3,9%/năm.

Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đồng thời, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân các địa phương có rừng, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển lâm nghiệp của trung ương và của tỉnh.

Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong đó, tập trung xác định cơ cấu giống cây trồng phù hợp với từng địa phương, cho giá trị kinh tế cao, phù hợp mục đích kinh doanh, công nghệ khai thác, chế biến; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống cây trồng chất lượng cao theo mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, đưa cơ giới hóa và công nghệ cao vào các khâu sản xuất…

Giai đoạn 2025 - 2030, duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh được giữ vững, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng hơn 4%/năm.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/125691//gan-loi-ich-kinh-te-voi-bao-ve-va-phat-trien-rung
Zalo