Gắn kiểm kê tài sản công với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 14/1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tại Hội nghị này, Bộ Tài chính đã thông tin về những kết quả bước đầu về tổng kiểm kê tài sản công.

24 bộ, ngành và 58 địa phương thực hiện chế độ báo cáo về tổng kiểm kê tài sản công

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và 2025 nhằm thực hiện các nghị quyết quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, góp phần thúc đẩy quản lý hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong giai đoạn 2024-2025.

Đến nay, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp và kiến nghị biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tập trung chuẩn bị cho công tác tổng kiểm kê, nhưng sau 2 tuần thực hiện, mới có 24 bộ, ngành và 58 địa phương thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ, ngành chưa đăng ký đối tượng kiểm kê, trong đó, đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, có 19 bộ, ngành (bao gồm cả các hội) đã đăng ký đối tượng kiểm kê; 5 bộ, ngành (bao gồm cả các hội) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê.

Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4-5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều… Có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng; 31 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; 35 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Chia sẻ về công tác tổng kiểm kê tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trước đây, việc quản lý tài sản công đã được quan tâm nhưng chưa đúng tầm và đề án tổng kiểm kê lần này là cơ hội để thay đổi, nhưng cũng là một thách thức rất lớn trong triển khai thực hiện. Kết quả tổng kiểm kê tài sản công là cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thông qua đó sẽ khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện. Những cá nhân, tập thể không chấp hành, chấp hành không nghiêm kế hoạch và các quy định liên quan đến tổng kiểm kê sẽ bị phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng lưu ý, trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản phát biểu tại Hội nghị.

Không làm thất thoát tài sản của Nhà nước khi sáp nhập, hợp nhất

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, phải gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc Tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính vẫn phải thực hiện nhiệm vụ Tổng kiểm kê đến khi chính thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, đồng thời có trách nhiệm bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.

Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Khánh Chi

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/gan-kiem-ke-tai-san-cong-voi-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi.html
Zalo