Gắn kết cộng đồng qua các lễ hội truyền thống

BHG - Lễ hội truyền thống không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp con người xích lại gần nhau hơn, cùng chia sẻ niềm vui và giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong dòng chảy hiện đại, khi nhịp sống ngày càng hối hả, lễ hội giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng sự đoàn kết, lan tỏa giá trị văn hóa và duy trì tinh thần gắn kết cộng đồng.

Thi kéo co - hoạt động tập thể đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao.

Thi kéo co - hoạt động tập thể đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao.

Hàng năm vào mùng 8 Tết Âm lịch, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) lại tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng sôi động, nơi con người có thể gác lại những lo toan thường ngày để cùng hòa mình vào không khí lễ hội để gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Phần lễ trang nghiêm với các nghi thức của thầy mo, già làng cùng mâm cỗ đầy đủ lễ vật do các gia đình trong làng đóng góp. Đây chính là dịp để mọi người thể hiện sự đoàn kết, chung tay giữ gìn truyền thống. Sau phần lễ, hội làng bắt đầu với nhiều hoạt động sôi nổi như: Liên hoan văn nghệ, ném còn, kéo co, đánh yến… Tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết. Điểm đặc biệt của Lễ hội Lồng Tồng là sự tham gia đông đảo của bà con, không phân biệt già trẻ, trai gái. Những người lớn tuổi đóng vai trò gìn giữ các nghi lễ truyền thống, hướng dẫn con cháu cách chuẩn bị mâm cỗ, cúng bái. Thanh niên nam, nữ hòa mình vào các trò chơi dân gian, các điệu hát giao duyên, từ đó tạo sự kết nối giữa các thế hệ và thắt chặt tình cảm giữa các dòng họ, làng bản.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy chia sẻ: “Lễ hội Lồng Tồng được chúng tôi tổ chức hàng năm. Việc cùng nhau chuẩn bị lễ hội, tham gia các hoạt động tập thể giúp tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản cha ông để lại. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống, tiếp nối và lan tỏa nét đẹp văn hóa”.

Nghi lễ dựng còn ở lễ hội Lồng Tồng (xã Thanh Thủy) đòi hỏi sự đoàn kết của các thanh niên trong bản.

Nghi lễ dựng còn ở lễ hội Lồng Tồng (xã Thanh Thủy) đòi hỏi sự đoàn kết của các thanh niên trong bản.

Cũng như mọi năm, Lễ hội Gầu Tào xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết. Lễ hội là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Mông, thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân để tạ ơn trời đất, cầu phúc, cầu lộc và chúc cho mùa màng bội thu. Nhưng hơn hết, đây còn là dịp để cộng đồng người Mông gắn kết, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Trong quan niệm của người Mông, Lễ hội Gầu Tào không chỉ dành cho một gia đình hay một dòng họ, mà là sự kiện chung của cả bản làng. Ngay khi chuẩn bị lễ hội, tất cả người dân trong thôn sẽ cùng nhau góp công, góp của. Người già hướng dẫn nghi thức, trai tráng dựng cây nêu, phụ nữ chuẩn bị lễ vật, trẻ em cũng háo hức tham gia. Việc cùng nhau chung tay tổ chức không chỉ thể hiện sự đoàn kết mà còn giúp gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên tinh thần cộng đồng bền chặt. Sau phần lễ trang trọng, phần hội là dịp để người dân vui chơi, giao lưu và thể hiện tinh thần đoàn kết qua nhiều hoạt động truyền thống như: Hội thi múa khèn, thổi sáo, ném pao… Các trò chơi dân gian như đánh quay, kéo co, đi cà kheo… Đây đều là những hoạt động đòi hỏi sự phối hợp, đồng lòng giữa các thành viên trong cộng đồng. Qua từng trận đấu, tình cảm giữa mọi người thêm gắn kết, giúp tăng cường tinh thần đoàn kết.

Một tiết mục hát Then của dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tại lễ hội Lồng Tồng đầu Xuân 2025

Một tiết mục hát Then của dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tại lễ hội Lồng Tồng đầu Xuân 2025

Chị Lù Thị Diêm, thôn Xín Chải, xã Chiến Phố chia sẻ: “Là một người đi lao động xa quê hương, tôi luôn mong chờ những dịp nghỉ lễ để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Lễ hội không chỉ là nơi tôi được gặp lại người thân, hàng xóm mà còn giúp tôi sống lại những kỷ niệm tuổi thơ, hòa mình vào không khí vui tươi, náo nhiệt. Tôi rất thích các tiết mục văn nghệ truyền thống và các trò chơi dân gian. Đây là những nét đẹp văn hóa mà tôi luôn tự hào và muốn gìn giữ. Đặc biệt, được cùng bà con tham gia những hoạt động này khiến tôi cảm thấy gắn bó hơn với quê hương”.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Lồng Tồng… vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi là tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đây không chỉ là dịp để người dân tạ ơn trời đất, cầu mong may mắn, mà còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Nhờ có lễ hội, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, người dân cùng chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội không chỉ giúp tăng cường sự đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn tạo ra động lực phát triển văn hóa, KT - XH trong thời đại mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202502/gan-ket-cong-dong-qua-cac-le-hoi-truyen-thong-aab379b/
Zalo