Gắn Chương trình tín dụng chính sách xã hội với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Là 'cánh tay nối dài' để triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội (ASXH), những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động, chương trình tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn. Hàng nghìn hộ nghèo và các hộ CSXH khác đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học.
![Triển khai giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội tại xã Hiệp Cường (Kim Ðộng)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_432_51427431/17f62f561518fc46a509.jpg)
Triển khai giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội tại xã Hiệp Cường (Kim Ðộng)
Ðến thăm gia đình ông Trần Văn Tuyến - một hộ gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn ở thôn Phần Dương, xã Ðào Dương (Ân Thi), chúng tôi thấy được ý nghĩa của nguồn vốn TDCSXH. Cách đây vài năm, ông Tuyến được tiếp cận số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông đã mua 2 con bò, đầu tư trồng gần 8 sào nhãn và bưởi. Nhờ được động viên kịp thời, được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên hằng năm, từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi bò đã giúp gia đình ông vững vàng hơn về kinh tế để chăm sóc một người con không được “lành lặn” cũng như có phần tích lũy để chăm sóc tuổi già.
Qua vườn cây ăn quả của gia đình ông Tuyến vài trăm mét là đến vườn cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Lượt - một hộ gia đình cũng ở thôn Phần Dương đã được tiếp cận với nguồn vốn TDCSXH từ nhiều năm nay. Năm nay đã 65 tuổi, nhưng hằng ngày ông Lượt vẫn cùng vợ và các con tần tảo sớm hôm bên vườn mít, bưởi, hồng xiêm, vú sữa xanh mướt. Ông kể: Những năm trước đây, vườn cây ăn quả của gia đình tôi rất đắt hàng, ngay từ khi cây ra quả còn xanh nhưng khách đã đến đặt mua và thuê tôi chăm bón, trông nom cho đến khi thu hoạch. Tôi rất sẵn lòng và thực hiện như cam kết, khách hàng rất tin tưởng, năm sau lại tìm đến đặt hàng, nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Năm 2024, mưa, bão gây ngập nước, bật gốc và chết khoảng 200 trong tổng số 500 cây mít, bưởi, hồng xiêm, vú sữa trong vườn. Ðược sự động viên của chính quyền địa phương và cán bộ Ngân hàng CSXH trong tỉnh nên gia đình tôi đã và đang khôi phục sản xuất. Chúng tôi rất mong thời gian tới sẽ tiếp tục được vay vốn TDCSXH để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình…
Không chỉ được tiếp cận nguồn vốn TDCSXH để phát triển kinh tế gia đình, trong thời gian qua, tỉnh có hàng nghìn gia đình được tiếp cận với nguồn vốn TDCSXH từ chương trình cho vay nhà ở. Ðiển hình như chị Ðặng Thị Lan, xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào). Chị Lan làm công nhân ở một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị xã, chồng làm nghề cơ khí, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ chi cho sinh hoạt 4 người trong gia đình và có chút ít tích lũy. Tuy đã có nhà ở nhưng bị xuống cấp, bị dột khi trời mưa gió. Ðang rất lo lắng thì chị Lan biết đến và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình nhà ở xã hội. Thực hiện các bước theo hướng dẫn của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Mỹ Hào, gia đình chị Lan đã được vay số tiền 500 triệu đồng từ năm 2022. “Với lãi suất vay ưu đãi, thời hạn trả nợ cuối cùng là năm 2043, vợ chồng tôi sẽ tu chí làm ăn và trả nợ vay đúng thời hạn…” - chị Lan vui mừng chia sẻ.
Hiệu quả thiết thực từ nguồn vay vốn vay ưu đãi trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về chương trình TDCSXH trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm ASXH. Chương trình TDCSXH đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đạt hiệu quả tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần bảo đảm ASXH trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng CSXH. Hằng năm, ngân sách địa phương trong tỉnh đều dành một phần vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố cho vay hộ nghèo và các nhóm đối tượng trong diện.
Theo tổng hợp của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, từ năm 2014 đến năm 2024, nguồn vốn TDCSXH trong tỉnh đã giúp 35.594 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 6.152 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, từ nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm ổn định cho gần 37 nghìn lao động, xây dựng được 246.063 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng 1.815 căn nhà cho hộ nghèo, căn nhà ở xã hội. Ðến hết tháng 1/2025, tổng nguồn vốn TDCSXH của tỉnh là trên 4.786 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn địa phương là gần 469 tỷ đồng; vốn tự huy động là 825 tỷ đồng; số còn lại là nguồn vốn của trung ương. Về hoạt động tín dụng, hiện nay, Chi nhánh đang triển khai 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 4.778 tỷ đồng với 72.311 lượt khách hàng. Một số chương trình tín dụng đang triển khai với số dư nợ cao và nhiều khách hàng như: Cho vay hộ mới thoát nghèo với dư nợ trên 1.185 tỷ đồng, 21.859 khách hàng; cho vay giải quyết việc làm với dư nợ gần 1.232 tỷ đồng, 20.688 khách hàng; cho vay nước sạch với dư nợ gần 1.170 tỷ đồng, 52.451 khách hàng; cho vay hộ cận nghèo với dư nợ trên 212 tỷ đồng, 3.387 khách hàng…
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội nâng cao vai trò, trách nhiệm và và phối hợp thực hiện tốt chương trình TDCS; quan tâm bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thông qua Ngân hàng CSXH. Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; chủ động thực hiện việc huy động, đa dạng hóa nguồn vốn, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCSXH. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.