Gắn bó máu thịt với dân bằng những việc làm thiết thực, nghĩa tình
Cùng với việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, thời gian qua, bằng tình thương và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Bình Phước luôn kiên trì bám dân, bám thôn ấp, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giúp nhân dân, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
![Vợ chồng anh Điểu Gion phấn khởi bên đàn bò giống được BĐBP hỗ trợ thoát nghèo. Ảnh: Phương Vy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_195_51479079/6be4168d24c3cd9d94d2.jpg)
Vợ chồng anh Điểu Gion phấn khởi bên đàn bò giống được BĐBP hỗ trợ thoát nghèo. Ảnh: Phương Vy
Đến với dân bằng trái tim người lính
Quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đắc Ơ lại có duyên gắn bó với tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập. Trong hành trang 30 năm quân ngũ, anh có 27 năm lặn lội ở các xã vùng sâu, vùng xa với nhiệm vụ của nhân viên vận động quần chúng. Gần gũi, sâu sát và luôn chăm lo cho cuộc sống người dân nên đi tới đâu, Trung tá Sỹ cũng được bà con tin yêu, coi như người nhà. Ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập (địa bàn Đồn Biên phòng Đắc Ơ phụ trách), nhắc tới nhà nào, thôn nào, anh đều biết rõ hoàn cảnh của từng nhà, từng thôn. Trước khi tới thăm gia đình vợ chồng anh Điểu Gion ở đội 4, thôn 3, anh Sỹ điện thoại liên lạc trước. “Đang mùa thu hoạch, bà con đi rẫy từ sáng sớm tới chiều tối mới về, nếu không thông báo trước, khó gặp lắm. Nhiều lúc đơn vị có việc cần, phải cử người vào rẫy tìm” - Trung tá Sỹ nói.
Anh Điểu Gion năm nay 39 tuổi (dân tộc S'tiêng), người thấp đậm, lúc nào cũng vui vẻ, hoạt bát. Căn nhà cấp bốn của gia đình anh nằm giữa vườn điều đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Đưa tay chỉ 4 con bò mập ú vừa được lùa từ rẫy về đang nhởn nhơ ngặm cỏ trong vườn, anh Điểu Gion và vợ - chị Y Rum nhớ lại: "Liên tiếp trong 2 năm (2014 và 2015), Đồn Biên phòng Đắc Ơ hỗ trợ cho gia đình em 2 con bò mẹ. Cuối năm 2024, UBND xã Đắk Ơ lại hỗ trợ cho gia đình em thêm 2 con bò giống nữa. Trước kia, nhà em nghèo lắm, phải làm thuê làm mướn, chạy ăn từng bữa, nuôi 4 đứa con. Nhờ các anh Biên phòng và địa phương giúp đỡ nên gần 10 năm qua, từ mấy con bò giống được hỗ trợ, nhiều con bê đã được sinh ra. Đó là nguồn kinh tế chủ lực giúp gia đình thoát nghèo"...
Anh Điểu Gion phấn khởi cho biết: Năm 2018 đến nay, anh được nhận vào làm nhân viên Đội Bảo vệ rừng cộng đồng, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập ổn định này, cộng với tiền làm thuê và nuôi bò, cuộc sống gia đình anh đã dần được cải thiện, các con được cắp sách đến trường.
Xã Đắc Ơ có 4.049 hộ với khoảng 16.254 nhân khẩu, trong đó, hơn 42% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về người dân biên giới, Đồn Biên phòng Đắc Ơ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Điển hình là các hoạt động như tặng quà, hỗ trợ vốn, cây, con giống, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã. Trong năm 2024, Đồn Biên phòng Đắc Ơ đã phối hợp với địa phương, các nhà hảo tâm tặng trên 1.200 suất quà, 300 chiếc mùng và 43 suất học bổng, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Theo anh Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ, là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí hạn chế, nên đời sống người dân ở Đắk Ơ còn nhiều khó khăn. Những việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Ơ đã giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để giúp dân
Ở ấp 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, hoàn cảnh của ông Làng Sầu (dân tộc Hoa) khá éo le. Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông Sầu vẫn đi làm thuê để nuôi đứa cháu ngoại. Ông kể: "Bố mẹ nó bỏ nhau từ lúc cháu Đạt (Làng Khắc Đạt - tên người cháu ngoại) còn nhỏ. Mẹ nó đi bước nữa, hoàn cảnh cũng khó khăn nên bỏ nó lại cho tôi nuôi từ bé. Không có nghề nghiệp, nương rẫy gì nên phải đi làm thuê, ông cháu rau cháo qua ngày. May mà được mấy chú Biên phòng giúp đỡ, trợ cấp tiền ăn học nên cháu Đạt cũng đã học xong trung học phổ thông năm vừa rồi”.
![Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu thăm, động viên ông Làng Sầu. Ảnh: Phương Vy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_195_51479079/4eb9cfd1fd9f14c14d8e.jpg)
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu thăm, động viên ông Làng Sầu. Ảnh: Phương Vy
Tới thăm ông Sầu, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu chia sẻ: "Mới đây, ông Sầu bị đau mắt (cườm mắt), phải đi viện. Biết ông Sầu khó khăn nên đơn vị đã hỗ trợ ông 5 triệu đồng. Hôm sau, ông Sầu đi tái khám, đơn vị lại hỗ trợ tiếp 2 triệu đồng; ngoài ra, còn nhờ xe của người quen chở ông đi lại".
“Sau khi mổ, mắt tôi đã đỡ hơn rất nhiều. Thực tình, nếu không có sự giúp đỡ của các chú Biên phòng thì ông cháu tôi không biết xoay xở thế nào” - ông Sầu nói.
Trung tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, không chỉ ông Sầu mà hàng chục năm qua, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu hỗ trợ, từng bước thoát nghèo. Nhiều chương trình, mô hình như: “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Hũ gạo tình thương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”... được đơn vị triển khai thường xuyên và hiệu quả.
Bình Phước có 15 xã biên giới thuộc 3 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập, với hơn 34.500 hộ dân, 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do điều kiện địa lý, tự nhiên và xã hội nên đời sống của nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong địa bàn biên giới vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bằng trách nhiệm và trái tim người lính, hàng chục năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Bình Phước đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chỉ riêng năm 2024, BĐBP Bình Phước đã phối hợp tặng 17.701 phần quà, 258 suất học bổng, 7.070kg gạo, hỗ trợ xây 14 nhà Tình nghĩa, Tình thương, Đại đoàn kết..., tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Các đơn vị BĐBP trong tỉnh cũng đã giúp dân 2.034 ngày công lao động và chăm sóc, thu hoạch mùa màng, sửa chữa nhà cửa...
Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, Chính ủy BĐBP Bình Phước, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, các đơn vị BĐBP Bình Phước đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở 3 huyện biên giới (Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập) triển khai, thực hiện nhiều mô hình giúp dân hiệu quả, góp phần củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực biên phòng, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó, củng cố niềm tin của bà con vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngày càng gắn bó, sát cánh cùng BĐBP.