Gần 90% người Ukraine không tin tưởng ông Trump trong nhiệm kỳ hai
Gần 90% người dân Ukraine không còn tin tưởng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, theo kết quả một cuộc khảo sát mới công bố nhân 100 ngày đầu ông trở lại Nhà Trắng.

Một người biểu tình ủng hộ Ukraine ở Riverside, California, vào ngày 5/4. Ảnh: Getty.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức Info Sapiens theo đơn đặt hàng của Trung tâm New Europe có trụ sở tại Kiev và được công bố hôm 29/4. Theo đó, có tới 89% người Ukraine cho biết họ không đặt niềm tin vào ông Trump, trong khi chỉ 7,4% nói rằng họ tin tưởng ông.
Kết quả này đánh dấu sự sụt giảm niềm tin nghiêm trọng so với cuộc khảo sát tương tự vào tháng 11/2024 – thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức lần thứ hai. Khi đó, 44,6% người Ukraine cho biết họ tin tưởng ông, trong khi 47,2% không tin. Theo Trung tâm New Europe, mức độ tin tưởng "tương đối cao" lúc đó phần lớn xuất phát từ "sự thất vọng chung đối với chính sách do dự của chính quyền Joe Biden trong việc hỗ trợ Ukraine", cùng với lời hứa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ nhanh chóng đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow.
Tuy nhiên, sau khi trở lại cầm quyền, niềm tin vào ông Trump đã sụt giảm mạnh tại Ukraine. Trung tâm này nhận định chiến lược của ông Trump "đôi lúc có vẻ nghiêng về tầm nhìn của Nga hơn là luật pháp quốc tế".
Dù từng chỉ trích cả Nga và Ukraine, Tổng thống Trump lại quy trách nhiệm cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc xung đột. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2 đã trở nên căng thẳng và biến thành một cuộc tranh cãi gay gắt. Tại đây, ông Trump cùng Phó Tổng thống J.D. Vance cáo buộc ông Zelensky là "vô ơn" trước sự hỗ trợ từ Mỹ và "đang đánh cược với Thế chiến III".
Ngoài ra, ông Trump từ chối đưa ra bất kỳ cam kết an ninh nào cho Ukraine, thay vào đó gây áp lực buộc Kiev ký một thỏa thuận hòa bình cho phép Mỹ được hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.
Theo các nguồn tin, thỏa thuận hòa bình mà Washington đề xuất bao gồm việc Mỹ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, đóng băng xung đột dọc theo tuyến mặt trận hiện tại, và thừa nhận quyền kiểm soát của Moscow với phần lớn diện tích thuộc bốn khu vực từng là lãnh thổ Ukraine đã bỏ phiếu gia nhập Nga. Thỏa thuận cũng được cho là sẽ ngăn Ukraine gia nhập NATO và bắt đầu quá trình gỡ bỏ từng bước các lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Nga.
Về phía Moscow, họ khẳng định hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine từ bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và rút lại kế hoạch gia nhập NATO – điều mà chính quyền Kiev đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ.