Gần 9.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Dầu Giây-Tân Phú

Chiều 12/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) về công tác triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1.

Điểm đầu cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ nối với khu vực nút giao Quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong ảnh nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Điểm đầu cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ nối với khu vực nút giao Quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong ảnh nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1 đã được phê duyệt theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào cuối tháng 7 vừa qua.

Dự kiến, trong tháng 12/2024, sẽ hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án. Dự án có tổng mức đầu tư dự án gần 9.000 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài hơn 60km, điểm đầu tại Km0+000, khu vực nút giao với Quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tại Km60+243,83, cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20, kết nối với đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, huyện Tân Phú.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long trình bày phương án thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long trình bày phương án thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú.

Đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ đi qua địa bàn 4 huyện của tỉnh Đồng Nai, gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.

Công tác giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện 1 lần theo quy mô hoàn chỉnh với tổng diện tích khoảng 378ha.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai sớm thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu chính quyền 4 huyện có dự án đi qua là Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú phải hoàn thành công tác tổng hợp số liệu về giải phóng mặt bằng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ phân chia nhiệm vụ để các huyện triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10 tới.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương rà soát lại các quy hoạch liên quan để bảo đảm sự phù hợp giữa các quy hoạch khi triển khai thực hiện dự án.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý xây dựng, tránh tình trạng xây dựng trái phép trong khu vực triển khai dự án.

Đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long cần sớm triển khai thực hiện và bàn giao bản đồ mốc giới giải phóng mặt bằng của dự án cho các địa phương triển khai các công việc.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gan-9000-ty-dong-xay-dung-cao-toc-dau-giay-tan-phu-post823931.html
Zalo