Gần 844 nghìn trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý
Chiều 16-5, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý I, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có lãnh đạo Sở Xây dựng và đại diện các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, quý I/2025 là giai đoạn đầu tiên triển khai các quy định mới của Luật Trật tự ATGT đường bộ, Luật Đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đạt nhiều kết quả rất tích cực. Nhiều hành vi vi phạm có tính phổ biến trước đây như sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ đã giảm sâu so với cùng kỳ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 844 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền gần 1.770 tỷ đồng; tước gần 98.440 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ hơn 236.230 phương tiện các loại. Tính từ ngày 15/12/2024 đến 14/03/2025, toàn quốc xảy ra 4.760 vụ, làm chết 2.615 người, bị thương 3.186 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 1.833 vụ (27,8%); giảm 215 người chết (7,6%); giảm 2.003 người bị thương (38,6%).
Đối với Thái Nguyên, cơ quan chức năng của tỉnh của triển khai nhiều giải pháp, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhờ vậy, tình hình TNGT quý I giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 113 vụ TNGT (giảm 18,1%); làm chết 27 người (giảm 15,6%); làm bị thương 104 người (giảm 18,8%).
Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với cáo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng thời tập trung thảo luận đánh giá về nguyên nhân và giải pháp để kéo giảm các vụ TNGT.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đồng thời đề nghị cần nâng cao hiệu quả triển khai các chỉ đạo của cấp trên tại địa phương theo hướng cụ thể, sát, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh, nhất là quan tâm tới đối tượng học sinh, thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần có các chuyên đề sâu để hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững…