Gần 40 trường tổ chức thành công kỳ khảo sát PISA chính thức năm 2025
Tính đến hết ngày 16/4/2025, đã có 36/195 trường tổ chức thành công kỳ khảo sát PISA chính thức năm 2025.

Chuẩn bị tốt nhất điều kiện triển khai
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang có 6 trường tham gia khảo sát PISA gồm: Trường THPT Hiệp Hòa số 6, THPT Nguyên Hồng, THPT Phượng Sơn, THCS Vân Hà, THPT Ngô Sĩ Liên, THPT Lê Hồng Phong.
Khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, quyết tâm thực hiện bài bản, trách nhiệm, ông Nguyễn Tiến Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang cho biết: Trường đã nhiều lần được lựa chọn cho các kỳ khảo sát PISA.
Năm nay là lần đầu tiên tiến hành khảo sát trên máy tính. Chuẩn bị cho hoạt động này, nhà trường chủ động thực hiện một số nội dung quan trọng: Cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về đánh giá PISA để tiếp thu các nội dung về triển khai tại đơn vị; rà soát, đảm bảo cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin như hệ thống máy tính, đường truyền Internet ổn định, chuẩn bị các phương án dự phòng sẵn sàng phục vụ cho việc khảo sát trên máy.
Nhà trường có 2 phòng máy, đủ số lượng bàn ghế, máy tính cho 50 học sinh, mỗi học sinh 1 máy tính để bàn. Mỗi phòng có 25 máy tính, phòng sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, có 1 đồng hồ treo tường chạy chính xác, treo trước mặt học sinh.
Phòng thi cách biệt với khu học sinh học tập và ra chơi; đảm bảo an ninh, an toàn cho phòng thi trong suốt quá trình học sinh làm bài.

Học sinh Bắc Giang trước giờ khảo sát PISA 2025.
Tại trường THPT Nguyên Hồng, nhà trường cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, giáo viên, học sinh về ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của kỳ khảo sát nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận. Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tập trung phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, đọc hiểu, năng lực khoa học cho học sinh - những năng lực cốt lõi được đánh giá trong kỳ PISA.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phượng Sơn, thị xã Chũ, Bắc Giang cho biết: Nhà trường có 50% là học sinh dân tộc thiểu số với nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ thông tin và khả năng nhạy bén với những vấn đề xã hội và thế giới.
Cùng với đó, trường nằm trên địa bàn có nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, đặc biệt là về đường truyền mạng và đảm bảo hệ thống điện xuyên suốt. Do vậy, nhà trường đã chuẩn bị từ sớm tất cả các phương án, các kịch bản có thể xảy ra, để lường trước những rủi ro và phối hợp với điện lực, nhà mạng đảm bảo tốt nhất cho kỳ khảo sát.
Ghi nhận Bộ GD&ĐT đã rất sâu sát, tập huấn trực tiếp đến từng đơn vị tham gia, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Sở đã đôn đốc, hỗ trợ về kĩ thuật để các nhà trường, học sinh thực hiện đúng theo yêu cầu của kỳ khảo sát năm nay, động viên các em học sinh phát huy hết năng lực của mình. Đồng thời, hướng dẫn các thầy cô nghiên cứu kỹ yêu cầu kỳ khảo sát PISA đặt ra, đặc biệt là các dạng đề, để hướng dẫn các em học sinh, đưa vào trong chương trình giảng dạy.

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương kiểm tra công tác PISA khảo sát tại Trường THPT Nguyên Hồng.
Đề thi yêu cầu cao ở học sinh khả năng tư duy, phân tích
Bước ra khỏi phòng thi, em Hoàng Thị Ngọc Duyên, học sinh lớp 10A1, trường THPT Phượng Sơn chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia kỳ khảo sát PISA: Đề thi PISA có nội dung phong phú, bao gồm nhiều môn học như Toán, Ngữ văn, các môn Khoa học… với yêu cầu cao về khả năng tư duy và phân tích của học sinh.
Việc được trực tiếp tiếp cận với đề thi của kỳ khảo sát giúp chúng em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là làm bài trên máy tính - điều rất cần thiết trong thời đại công nghệ hiện nay.
Qua đó, chúng em còn hiểu rõ hơn về các dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi, tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới và trau dồi năng lực tư duy phản biện. Đây thực sự là một cơ hội quý giá để chuẩn bị tốt hơn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phượng Sơn, Bắc Giang chia sẻ: Chúng tôi đang hướng tới trong các giờ trên lớp, các học sinh khác cũng được tiếp cận theo cách ra đề của kỳ khảo sát PISA, đưa thực tiễn vào trong bài giảng, dùng kiến thức của mình để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Đây cũng là tiền đề và rèn cho các em học sinh nhiều kỹ năng, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị hành trang cho các em trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương kiểm tra công tác PISA khảo sát tại Trường THPT Phượng Sơn.
Tiền đề tổ chức các kỳ thi, kỳ đánh giá trên máy tính phạm vi toàn quốc
Tới thăm, khảo sát tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên, THPT Nguyên Hồng và THPT Phượng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA nhằm tạo ra các bộ chỉ số trung thực, tin cậy, chất lượng về kết quả đánh giá diện rộng của giáo dục phổ thông.
Đồng thời, việc này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế, so sánh và học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, qua đó không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, kết quả PISA phải thực chất và đúng với từng địa phương khảo sát, từ đó có các đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đang hướng đến sửa Luật Giáo dục và xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách mới về giáo dục phổ thông đã và sắp ban hành, sơ kết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau một chu kỳ sẽ diễn ra trong năm 2025.
Vì thế, việc tham gia đánh giá theo PISA bằng phương thức tổ chức trên máy tính sẽ là tiền đề, thí điểm để Việt Nam triển khai tổ chức các kỳ thi, kỳ đánh giá trên máy tính ở phạm vi toàn quốc.
Ghi nhận công tác tổ chức chu đáo, bài bản tại Bắc Giang, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương lưu ý các địa phương khi triển khai khảo sát PISA cần thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất và đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.
Việc đảm bảo chất lượng, tính khách quan và trung thực trong quá trình tổ chức khảo sát là yếu tố then chốt để tạo ra dữ liệu tin cậy, có giá trị cho việc đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế.
Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, tính đến hết ngày 16/4/2025, có 36/195 trường tổ chức khảo sát chính thức thành công. Trong đó, nhìn chung, tỉ lệ học sinh tham gia khảo sát rất cao: 30/36 trường đạt tỉ lệ 100% học sinh tham gia; 06 trường có tỷ lệ tham gia trên 95%, đảm bảo tỷ lệ tham gia theo yêu cầu của OECD. Trong quá trình khảo sát, có một số sự cố kỹ thuật như: máy tính tải chậm, lỗi đăng nhập màn hình mật khẩu. Các khảo sát viên đã khắc phục kịp thời theo đúng hướng dẫn, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình làm bài của học sinh.