Gabon thay đổi cách tiếp cận PSC - Bài học nào cho Việt Nam?

Để thu hút đầu tư, Gabon hồi tháng 7/2019 đã thông qua Bộ luật hydrocacbon mới. Đây là Bộ luật được thiết lập để thúc đẩy tự do hóa thị trường hơn nữa so với Bộ luật trước đây được ban hành ngày 28/8/2014.

Luật hydrocacbon mới hướng đến mục tiêu mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho các công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Gabon, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu chỉ bằng một nửa so với năm 2014. Kể từ đó, lĩnh vực này đã bị hạn chế về lợi ích, với chỉ một số Hợp đồng phân chia Sản phẩm (PSC) được ký kết.

Mặc dù quyền thăm dò, phát triển và khai thác dầu vẫn phụ thuộc vào sự cho phép của Chính phủ Gabon và sự đàm phán của PSC, song Bộ luật mới được kỳ vọng cải thiện những thông số chung để khuyến khích các nhà đầu tư.

Trong khi một số khía cạnh của luật mới không thay đổi và đã quen thuộc với những công ty dầu khí đã hoạt động lâu năm trong khu vực, có một số khác biệt chính cung cấp các ưu đãi tài chính cho các nhà đầu tư. Đáng kể là, sự tham gia của Nhà nước vào PSC có thể giảm một nửa (giảm từ 20% xuống 10%) và mức giảm tương tự cũng áp dụng cho số cổ phần tối đa mà Nhà nước có thể có được trong một dự án khai thác. Cả hai thay đổi này sẽ cho phép các nhà đầu tư tiềm năng kiểm soát tốt hơn các hoạt động của mình.

Cũng có những thay đổi đối với thuế doanh nghiệp. Loại thuế này trước đây được trả (bằng tiền hoặc hiện vật) trên phần khai thác của Nhà nước, trong khi với bộ luật mới nó được tính vào phần khai thác và do đó chỉ phải trả bằng sản phẩm. Bộ luật mới cho phép bù đắp tỷ lệ hydrocacbon lớn hơn so với chi phí ban đầu. Ngoài ra, tỷ lệ có thể được sửa đổi trong các trường hợp ngoại lệ, ví dụ, trong các trường hợp không có phát hiện mới nào. Những thay đổi này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và gánh nặng tài chính mà các công ty phải đối mặt.

Gabon, nhà sản xuất dầu lớn thứ tám ở châu Phi cận Sahara với sản lượng 198.000 thùng mỗi ngày. Dầu mỏ là nguồn thu chính của quốc gia này.

Gabon tái gia nhập OPEC vào mùa hè năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, trung bình trong giai đoạn 2010-2015, lĩnh vực dầu mỏ của Gabon chiếm 80% xuất khẩu, 45% GDP và 60% doanh thu của chính phủ. Tuy nhiên, trong năm 2017, doanh thu từ dầu mỏ chỉ chiếm 27% GDP và xấp xỉ 35% doanh thu của chính phủ.

Với sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu, triển vọng kinh tế ngắn hạn của Gabon chắc chắn chịu tác động lớn vào sản lượng và giá dầu trên thị trường. Sản lượng của Gabon trong năm 2017 ước tính đạt 10,5 triệu tấn (theo ước tính của nhà chức trách quốc gia Trung Phi).

Giống như các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ trong khu vực đồng tiền chung CEMAC, Gabon đã gặp khó khăn khi giá dầu thô giảm, buộc nước này phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2017.

Kể từ khi giá dầu giảm vào đầu năm 2014, số lượng các công ty năng lượng Mỹ hoạt động tại Gabon đã giảm. Tuy nhiên, mối quan tâm của các công ty nước ngoài đối với giấy phép khai thác dầu ngoài khơi vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, đối với hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu khí, chúng ta đã phát hiện được khoảng 1,5 tỉ tấn dầu, trong đó dầu chiếm xấp xỉ 50% và khí là trên 50%. Đến nay, chúng ta đã khai thác được khoảng 48-50% trữ lượng đã phát hiện. Cách đây nhiều năm, chúng ta đã dự báo được bức tranh trữ lượng đang giảm dần và làm sao để chống sự suy giảm, phải đưa ra các công trình mới, mỏ mới, mỏ cận biên, nằm ở khu phức tạp vào khai thác.

Góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Thập đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí. Cụ thể, bổ sung định nghĩa hợp đồng dầu khí: “Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc các hình thức hợp đồng khác bao gồm: Hợp đồng đầu tư/kinh doanh duy trì và gia tăng sản lượng, hợp đồng dịch vụ thăm dò và khai thác tận thu”.

Để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí cần xem xét bổ sung trường hợp: Sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ hoặc trong khí cập nhật FDP, các phát hiện hoặc các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác, nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi, chi tiết sẽ thể hiện trong Nghị định 95 sửa đổi.

Về phần mình, TS Nguyễn Hồng Minh - nguyên Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất, cần phải bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí hướng tới hoàn thiện quản lý nhà nước về dầu khí: Phải bổ sung thêm loại hình hợp đồng dầu khí dịch vụ. Hợp đồng do nhà nước thuê làm dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí. Nhà nước phải trả phí dịch vụ và sở hữu tài nguyên, trữ lượng và sản lượng dầu sản xuất; cần phân chia lại thẩm quyền trong các thủ tục hành chính nhằm tăng cường quản lý nhà nước tại Bộ Công Thương, công tác đấu thầu tại các lô hợp đồng dầu khí, phê duyệt các báo cáo trữ lượng, phát triển mỏ, quyết định hợp nhất mỏ chuyển từ thẩm quyền Thủ tướng xuống cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương cũng sẽ quản lý Quỹ thu dọn mỏ và tổ chức bán phần sản phẩm của nước chủ nhà; cần phải luật hóa rõ hơn quyền hạn giám sát, quản lý kỹ thuật của Petrovietnam. Cho phép Petrovietnam có thể ban hành quy trình, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện đối với các nhà điều hành.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gabon-thay-doi-cach-tiep-can-psc-bai-hoc-nao-cho-viet-nam-636638.html
Zalo