FTZ Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics
Ngày 14-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn 'Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng' bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường.
Tham dự Diễn đàn có hơn 350 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước; các cơ quan Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các hiệp hội, hội, doanh nghiệp logistics và nhiều lĩnh vực liên quan; các viện, trường, cơ quan nghiên cứu Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trên lĩnh vực logistics; đặc biệt là đại diện Khu Thương mại tự do (FTZ) De Colon (Cộng hòa Panama). Về phía TP Đà Nẵng có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch UBMTTQVN TP Lê Văn Trung cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, hội, doanh nghiệp trên địa bàn TP.
4 trụ cột quan trọng để phát triển FTZ Đà Nẵng
Tại diễn đàn này, các đại biểu đã hiến kế, đề xuất để TP Đà Nẵng phát triển thành công FTZ. PGS.TS Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng Đề án “Thành lập FTZ Đà Nẵng” của Sở Công thương TP Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để xây dựng FTZ nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế như: quỹ đất hạn chế; quy mô kinh tế cần thiết cho sự phát triển chưa tương xứng; chính sách ưu đãi chưa hoàn thiện; chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các khu vực khác; quy mô doanh nghiệp nhỏ… Cho nên, TP Đà Nẵng cần xây dựng FTZ theo hướng phức hợp, đa chức năng theo mô hình “khu trong khu”. Mô hình này có sự kế thừa, tính toán theo điều kiện thực tế và có 4 ngành ưu tiên định hướng phát triển ở FTZ Đà Nẵng là logistics, sản xuất, dịch vụ và thương mại, đổi mới sáng tạo.
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay, FTZ đã trở thành động lực của thương mại toàn cầu với hơn 3.500 FTZ tại 135 quốc gia. Từ những kinh nghiệm xây dựng FTZ thành công tại Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, UAE, v.v…, TP Đà Nẵng có thể tham khảo, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng FTZ hiệu quả và bền vững. Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển FTZ trở thành động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KT-XH của TP, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh đề xuất lãnh đạo TP cần triển khai 4 trụ cột quan trọng gồm có: Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt; Xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào FTZ; Xác định phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển FTZ.
Đòn bẩy đưa logistics Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các mô hình FTZ trên thế giới. Đà Nẵng, một trong những TP phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, được chọn thí điểm thành lập và phát triển FTZ. Việc nghiên cứu và phát triển mô hình FTZ sẽ là đòn bẩy, cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng logistics là một trong những hợp phần chính của FTZ Đà Nẵng. Do vậy, việc TP Đà Nẵng phát triển FTZ sẽ thu hút thêm nhiều tập đoàn logistics hàng đầu thế giới như: DHL, DB Schenker, CJ Logistics, FedEx, Agility, UPS, Aramex, v.v… mở rộng đầu tư và đầu tư mới vào TP Đà Nẵng để xây dựng các căn cứ phát triển logistics quy mô và hiện đại.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng Lê Quảng Đức cho biết, logistics nói chung, cảng biển nói riêng là điều kiện là một trong những điều kiện mang tính quyết sự thành công của FTZ. Để FTZ Đà Nẵng thành công và là động lực thúc đẩy phát triển logistics, ông Đức đề xuất TP Đà Nẵng cần có cảng biển có thể tiếp nhận tàu container có sức chở đủ lớn với năng suất, chất lượng dịch vụ cao, an toàn, hiện đại, phát triển theo hướng cảng xanh với một hệ sinh thái cho cảng biển có tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả gồm: cảng vụ, hoa tiêu, biên phòng, hải quan, kiểm dịch, v.v...; phát triển hệ thống giao thông hiện đại, an toàn kết nối cảng với vùng hậu phương cảng (bao gồm: TP Đà Nẵng, các tỉnh khu vực miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây) với nhiều phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt và đường hàng không; ưu đãi về tiền thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics...
Phát biểu bế mạc tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường đã đánh giá diễn đàn này đã dành nhiều thời gian để làm rõ các hạn chế cũng như tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý quý báu nhằm tìm ra các định hướng, giải pháp, tháo gỡ các khó khăn, tăng cường hiệu quả hoạt động logistics nói chung và phát triển FTZ Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời mong muốn qua diễn đàn này, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP Đà Nẵng trong quá trình thành lập và phát triển FTZ Đà Nẵng, cũng như đẩy mạnh phát triển ngành logistics của TP Đà Nẵng nói riêng, khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước nói chung. “Sau Diễn đàn hôm nay, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo phát triển ngành logistics TP xây dựng Chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2025. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ như: hoàn thiện Danh mục các dự án ưu tiên về logistics, vị trí quy hoạch các dự án; tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nâng cao chất lượng nhân lực logistics; lồng ghép triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan tại Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch Trần Chí Cường chỉ đạo.