FTSE sắp công bố đánh giá giữa kỳ về nâng hạng chứng khoán Việt Nam

FTSE Russell sẽ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ về phân loại thị trường quốc gia sau khi thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày 8/4, tức sáng sớm mai 9/4 (theo giờ Việt Nam).

Việt Nam hiện là một trong hai thị trường được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi để xem xét nâng hạng, bên cạnh thị trường Hi Lạp. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá để nâng từ vị thế thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi hạng 2 (secondary emerging market).

Theo lịch trình, trước khi quyết định nâng hạng, FTSE Russell có cuộc họp của Ủy ban cố vấn Phân loại Quốc gia FTSE vào ngày 4/3. Tiếp đó, các ủy ban cố vấn cổ phiếu khu vực sẽ nhóm họp trong tuần bắt đầu từ ngày 10/3. Hội đồng Cố vấn Chính sách FTSE Russell sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 20/3, và cuối cùng là Hội đồng Quản trị Chỉ số FTSE Russell vào ngày 2/4 - chỉ 6 ngày trước khi công bố quyết định chính thức.

FTSE sắp công bố đánh giá giữa kỳ về nâng hạng chứng khoán Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

FTSE sắp công bố đánh giá giữa kỳ về nâng hạng chứng khoán Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để nâng hạng từ FTSE Frontier Market lên FTSE Secondary Emerging Market. 2 tiêu chí chưa đáp ứng gồm:

1, Non-Prefunding: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024 và đã đi vào hoạt động từ 2/11, hiện công ty chứng khoán đã được phép nhận lệnh mua, dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh, dựa trên mức ký quỹ thỏa thuận trong hợp đồng.

2, Vấn đề “các giao dịch thất bại và việc xử lý”, FTSE xem xét quy trình & cách xử lý các giao dịch thất bại. VDSC đang nghiên cứu và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung nghị định 155/2020/NĐ-CP để thành lập CCP, và từ CCP sẽ phòng ngừa được rủi ro thanh toán theo thông tư 119/2020/TT-BTC.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, được xếp hạng thị trường mới nổi sẽ mở rộng đáng kể quy mô dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam. Khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ lọt vào "tầm ngắm" của các quỹ đầu tư quy mô lớn hơn nhiều. Các quỹ ETF và quỹ chỉ số mô phỏng thị trường mới nổi buộc phải phân bổ vốn vào Việt Nam khi thị trường được thêm vào rổ chỉ số; đồng thời, các quỹ chủ động cũng sẽ xem xét Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Kết quả là tính thanh khoản và định giá của thị trường có thể được cải thiện nhờ dòng tiền ngoại ổn định hơn.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng sẽ góp phần giảm chi phí vốn và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển. Với việc TTCK được nâng hạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế hơn, thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu với mức định giá cao hơn và lãi suất thấp hơn. Thị trường mới nổi cũng đồng nghĩa rủi ro quốc gia trong mắt nhà đầu tư toàn cầu giảm bớt, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường việc huy động vốn của các doanh nghiệp cũng sẽ bền vững và giảm thiểu rủi ro hơn. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực quản trị và tính minh bạch, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, mục tiêu là đưa thị trường phát triển về chất, ổn định, bền vững, khi nào đạt được điều kiện nâng hạng thì sẽ được các tổ chức nâng hạng. Việc nâng hạng chỉ là điểm nút để ghi nhận một trạng thái mới. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường là phải xây dựng thị trường chứng khoán phát triển bền vững, chất lượng ngày càng cao.

"Mục tiêu cuối cùng là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng thực chất, ổn định và bền vững. Khi đạt đến chất lượng đó, việc nâng hạng sẽ là bước chuyển tất yếu", ông Nguyễn Đức Chi cho biết.

Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm thực hiện trong năm 2025. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều lệ về giao dịch chứng khoán và đã nhận được những phản hồi tích cực từ nhà đầu tư.

Thông tư 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã gỡ bỏ rào cản "pre-funding". Theo đó, thông tư cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần nộp sẵn tiền trước khi mua chứng khoán, đồng thời đưa ra lộ trình yêu cầu các công ty niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, đảm bảo bình đẳng thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc gỡ bỏ nút thắt "prefunding" chính là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Nhiều khả năng FTSE Russell sẽ chính thức thông báo nâng hạng cho Việt Nam trong kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2025.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, tiêu chí non-prefunding có thể được hoàn thiện và đánh giá trong quý I/2025, trong khi tiêu chí xử lý giao dịch thất bại cần thêm thời gian và có khả năng được ghi nhận sớm nhất trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Tuy nhiên, cần phải rút ngắn thời gian mở tài khoản cho khách nước ngoài, hiện có tài khoản mất tới 9 tháng mới mở xong, thay vì mất rất nhiều thời gian như hiện tại.

Cùng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 và chính thức được đưa vào bộ chỉ số FTSE Emerging Index vào tháng 3/2026. Nếu diễn biến này xảy ra đúng như kỳ vọng, đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp duy trì tâm lý lạc quan của thị trường và mở rộng cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong thời gian tới.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/ftse-sap-cong-bo-danh-gia-giua-ky-ve-nang-hang-chung-khoan-viet-nam-post1190558.vov
Zalo