Thương chiến leo thang, phép thử cho nhà đầu tư dài hạn
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn, với điều kiện phải có chiến lược rõ ràng và kiểm soát rủi ro.
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu liên tục rung lắc bởi những căng thẳng leo thang của cuộc chiến thương mại và tiền tệ, các chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán là hợp lý và mở ra cơ hội tích sản cho nhà đầu tư dài hạn.
Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn
Diễn biến khó lường từ các chính sách thuế toàn cầu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận những phiên điều chỉnh mạnh, đẩy định giá xuống mức rất thấp trong tuần đầu tháng 4 dù nhiều doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết vẫn duy trì kết quả kinh doanh tích cực.
Tuy vậy, ngay sau chuỗi phiên giảm sâu, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi nhờ kỳ vọng tăng trưởng ổn định, đặc biệt sau công bố số liệu GDP quý I/2025 tăng gần 7%.
Dù ở giai đoạn hiện tại, không thể đoán định chính xác điểm đáy hay đỉnh của thị trường, cả hai chuyên gia là bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm phân tích công ty chứng khoán ACBS, và TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol – đều thống nhất rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn, với điều kiện phải có chiến lược rõ ràng và kiểm soát rủi ro.
“Chúng ta nên bớt quan tâm đến chỉ số bao nhiêu điểm và nghĩ nhiều hơn đến việc đầu tư để tích sản. Còn ai muốn đánh cược với thị trường thì mới cần lo lắng ngắn hạn,” ông Tuấn chia sẻ với các nhà đầu tư trong chương trình "Phố Tài chính" mới đây.
Theo ông, nhà đầu tư nên chia danh mục thành ba phần, bao gồm phần vốn đầu tư dài hạn vào các ngành hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế như ngân hàng; một phần dành cho đầu tư trung hạn từ 1–2 năm với các nhóm như xây dựng, tiêu dùng, năng lượng và phần còn lại linh hoạt để tận dụng sóng ngắn hạn.
Trên cương vị giám đốc khối phân tích chứng khoán, bà Trang cho rằng chiến lược đầu tư hiện nay cần gắn liền với khả năng dự báo chu kỳ kinh tế và quản trị rủi ro danh mục.
“Cổ phiếu chỉ nên là một phần của danh mục tổng thể, không nên ‘all in’. Trong danh mục cổ phiếu, nên ưu tiên ngân hàng, vật liệu xây dựng, công nghệ và điện – những nhóm còn dư địa tăng trưởng thực chất”, bà Trang chia sẻ.
Một yếu tố tích cực có thể tái khơi thông dòng vốn trung hạn là việc hệ thống giao dịch KRX dự kiến đi vào vận hành trong năm nay.
Kèm theo đó là triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell – những yếu tố có thể định hướng lại kỳ vọng trên thị trường.
Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý rằng, kỳ vọng vào dòng tiền ngoại cần có thời gian bởi “ngay cả khi được nâng hạng, dòng tiền vào từ các quỹ cũng cần một khoảng trễ. Trong khi đó, sự chủ động và kiên định của nhà đầu tư nội sẽ là yếu tố then chốt.”
Cùng đồng tình với nhận định này, ông Tuấn cho biết “chúng ta cần thời gian để chứng minh rằng nền kinh tế Việt Nam vững vàng, và nhà đầu tư chọn đúng doanh nghiệp thì vẫn có lợi nhuận tốt”.

TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng nhà đầu tư chọn đúng doanh nghiệp thì vẫn có lợi nhuận tốt trên thị trường. Ảnh: Phố Tài chính
Về xu hướng dịch chuyển dòng tiền, cả hai chuyên gia đều cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục thận trọng trong thời gian tới.
Bà Trang lý giải rằng, dù kỳ vọng nâng hạng thị trường trong tháng 9 vẫn còn, nhưng tâm lý dòng vốn ngoại hiện đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro như tỷ giá và thuế quan.
Tuy vậy, thị trường có thể kỳ vọng nhiều hơn vào sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Qua đợt điều chỉnh vừa rồi, định giá VN-Index hiện đã tiệm cận mức đáy 5 năm – một mức hấp dẫn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
“Đây là mức định giá hấp dẫn những nhà đầu tư dài hạn. Tôi nghĩ là chúng ta chờ đợi đến kỳ nâng hạng thì nhà đầu tư cá nhân sẽ là một lực lượng khá là chủ động tham gia vào thị trường”, bà Trang cho biết.
Ông Tuấn bổ sung rằng, một phần lý do khiến vốn ngoại rút khỏi Việt Nam thời gian qua là vì “các thị trường như Nhật Bản đang trở nên nổi bật hơn sau thương chiến”.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đó không phải là dấu hiệu tiêu cực cho Việt Nam, mà chỉ là sự tái cấu trúc tạm thời của dòng vốn toàn cầu.
Áp lực tới chính sách và dòng vốn
Những quan điểm thị trường được các chuyên gia chia sẻ trong bối cảnh kể từ đầu tháng 4 đến nay, diễn biến trên các thị trường tài chính thế giới trở nên dồn dập khi hàng loạt chính sách thuế quan mới được đưa ra, khiến mối quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế toàn cầu trở nên căng thẳng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài làn sóng này và đã có những phiên điều chỉnh mạnh, gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo bà Trang, phản ứng của thị trường là hoàn toàn dễ hiểu.
“Đây là một sự kiện trọng yếu ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Việc nhà đầu tư phản ứng mạnh là điều dễ dự đoán, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại hầu hết thị trường lớn”, bà Trang đánh giá.
Ông Tuấn cũng cho rằng các cú sốc vừa qua là đáng kể, song điều quan trọng hơn là những gì sẽ xảy đến trong tương lai, đặc biệt khi thương chiến đang chuyển sang giai đoạn phức tạp hơn – chiến tranh tiền tệ.
Trong một động thái phản ứng trước chính sách thuế quan của Mỹ mới đây, Trung Quốc chủ động hạ giá đồng Nhân dân tệ để duy trì lợi thế xuất khẩu.
Ông Tuấn đánh giá đây là hành động “chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ”, khiến rủi ro tỷ giá toàn cầu tăng cao. Đây là yếu tố gây sức ép đáng kể lên chính sách tiền tệ và dòng vốn đầu tư quốc tế.
Tại Việt Nam, bất chấp tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt gần 7%, bà Trang lưu ý rằng tác động từ căng thẳng thuế quan chưa thực sự đi vào nền kinh tế.
“Doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng thời gian để đẩy hàng trước khi chính sách mới có tín hiệu rõ ràng hơn. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư mới, đặc biệt từ khối FDI, đang có xu hướng chậm lại để quan sát tình hình,” bà Trang cho biết.
Đồng thời, quý II trở đi mới bắt đầu phản ánh rõ hơn các tác động tiêu cực nếu kịch bản đàm phán quốc tế không khả quan.
Tuy vậy, với kịch bản cơ sở theo đánh giá của chuyên gia ACBS, Việt Nam vẫn có thể duy trì tăng trưởng 6,5 – 7%, một phần nhờ khả năng thích ứng chính sách và dư địa từ các biện pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ.
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cho rằng sự bất định đến từ ba yếu tố bao gồm thương chiến Mỹ – Trung, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và động thái thận trọng của dòng vốn FDI.
Dù vậy, vị chuyên gia từ Đại học Bristol cũng chỉ ra điểm tích cực khi mỗi cú sốc là cơ hội để điều chỉnh chiến lược – từ cấp độ vĩ mô như cải cách, kích cầu đầu tư, cho đến cấp độ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực quản trị.