FTA - thúc đẩy thương mại đa chiều

Với tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt, tỉnh Sơn La chủ động tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy xúc tiến thương mại trên nhiều lĩnh vực; hoàn thiện pháp lý, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá nông sản, từng bước khẳng định vị thế thương mại trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế.

Sản phẩm dâu tây được giới thiệu trước khi phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Sản phẩm dâu tây được giới thiệu trước khi phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Tạo nền tảng pháp lý vững chắc

Thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, tỉnh Sơn La đã xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch. UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, thu hút đầu tư. Các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, cập nhật thường xuyên, phù hợp các cam kết quốc tế, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp, đối tác. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng việc xây dựng kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) một cách cụ thể. Giao Sở Công Thương giữ vai trò đầu mối, chịu trách nhiệm điều phối, giám sát toàn bộ quá trình triển khai theo sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” thúc đẩy hoạt động thương mại. Hằng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến; xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hái chè trên cao nguyên Mộc Châu.Ảnh: PV

Hái chè trên cao nguyên Mộc Châu.Ảnh: PV

Với sự nỗ lực, năm 2024, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 90,02%, tăng 1,36%, tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp hạng 25/63, tăng 5 bậc, nằm trong nhóm trung bình - cao. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt 84,05%, tăng 7 bậc so với năm 2023, tăng 1,82% về điểm số. Kết quả trên, tạo nền tảng thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế địa phương.

Tiếp sức đưa nông sản vươn tầm quốc tế

Giúp doanh nghiệp, HTX tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, tỉnh Sơn La triển khai nhiều chương trình hỗ trợ toàn diện, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với lãi suất cho vay được điều chỉnh linh hoạt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp trên địa bàn đạt 15.252 tỷ đồng, 539 doanh nghiệp còn dư nợ, chiếm 33,77% tổng dư nợ toàn tỉnh.

Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp hưởng chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, lệ phí, hỗ trợ đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử thông qua phần mềm chuyên dụng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Tổ chức các doanh nghiệp, HTX tham gia 24 chương trình, sự kiện, hội nghị, kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, năm 2024, tỉnh xây dựng Sàn thương mại điện tử Sơn La (sonla.sanviet.vn) với 40 doanh nghiệp, HTX và 60 sản phẩm tham gia, đào tạo kỹ năng số cho 240 hộ sản xuất nông nghiệp, triển khai dữ liệu số nông nghiệp, tập huấn quản lý mã số vùng trồng cho 174 người.

HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, Thành phố, được hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến xuất khẩu.

HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, Thành phố, được hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến xuất khẩu.

oàn tỉnh có 27 tài khoản trên sàn buudien.vn, đưa 197 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trong đó 94 sản phẩm OCOP. Khai thác thế mạnh nông sản địa phương, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, quản lý nguồn gốc, triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng tới “Kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thông tin: Toàn tỉnh có 2.714 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất tốt, 8.217 ha sản xuất hữu cơ, 18.429 ha cà phê đạt các chứng nhận 4C, UTZ, RA; 4.028 ha tưới tiết kiệm; 56 ha nhà lưới, nhà kính và 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 29 sản phẩm mang địa danh, xây dựng 188 sản phẩm OCOP, 11 mã số cơ sở đóng gói, 205 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU và các thị trường khác gần 3.000 ha.

Xoài tròn Yên Châu là sản phẩm nông sản tiêu biểu được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020. Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện có gần 300 ha xoài tròn, trong đó 177 ha tại các xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhờ được bảo hộ thương hiệu, xoài Yên Châu khẳng định vị thế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2024, huyện xuất khẩu 4.000 tấn xoài, thu về khoảng 1,3 triệu USD, tương đương 33,04 tỷ đồng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hướng tới phát triển bền vững

Tạo điều kiện cho hoạt động thương mại phát triển ổn định, công bằng, tỉnh Sơn La luôn quan tâm việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Năm 2024, các lực lượng chức năng kiểm tra 1.308 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 971 trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt, truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng, góp phần giữ ổn định thị trường, nâng cao môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa phương.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, đóng gói xoài xuất khẩu.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, đóng gói xoài xuất khẩu.

Cùng với giữ vững thị trường nội địa, tỉnh chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với thách thức từ thị trường quốc tế, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyên truyền chính sách liên quan, phổ biến các văn bản pháp luật như Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và Thông tư số 37/2019/TT-BCT. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp với các cam kết FTA và yêu cầu hội nhập. Sở Công Thương cung cấp thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại ảnh hưởng đến sản phẩm, doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, tích cực góp ý các quy định mới từ nước ngoài, chủ động ứng phó với các vụ việc phát sinh.

Đồng thời, tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội trong tỉnh. Xây dựng tài liệu, khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, nhằm tăng cường nhận thức về hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao năng lực sử dụng thông tin cảnh báo phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, hoạt động thương mại Sơn La tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ ước đạt 35.800 tỷ đồng, tăng 14,3%, vượt 5,9% kế hoạch, cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa. Xuất khẩu đạt 198 triệu USD, tăng 6,1%, trong đó nông sản chiếm 190 triệu USD, tăng 6,9%, với cà phê, chè, trái cây là chủ lực, nông sản chế biến chiếm 95,96% tổng giá trị.

Với những nỗ lực không ngừng, cùng các giải pháp đồng bộ, tỉnh Sơn La từng bước khai thác hiệu quả những cơ hội mà FTA mang lại, thúc đẩy thương mại phát triển mạnh mẽ, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/fta-thuc-day-thuong-mai-da-chieu-9JxHtVaHg.html
Zalo