FPT Shop biến 600 cửa hàng thành điểm rút tiền mặt như cây ATM

Hợp tác giữa FPT Shop và Vietcombank đang cho thấy một xu hướng mới trên thị trường bán lẻ, khi các tiện ích tài chính được mở rộng tới người dân trên toàn quốc.

Doanh nghiệp bán lẻ bắt tay ngân hàng

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán.

Theo đó, người dùng có thể ghé một cửa hàng FPT Shop bất kì để thực hiện các giao dịch nộp và rút tiền mặt một cách nhanh chóng, tiện lợi, giống như đang ở một chi nhánh ngân hàng thực thụ.

Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết: "Hợp tác giữa FPT Retail và Vietcombank triển khai mô hình đại lý thanh toán là bước tiến đột phá trong việc mở rộng tiện ích tài chính cho khách hàng trên toàn quốc".

Trong đó, ưu điểm nổi bật của tiện ích này là sự linh hoạt về thời gian, khách hàng có thể chủ động giao dịch theo khung giờ hoạt động của các cửa hàng FPT Shop, bao gồm cả khoảng thời gian ngoài giờ hành chính và cuối tuần.

Đối với Vietcombank, việc "bắt tay" với FPT Retail mở ra một kênh tiếp cận khách hàng vô cùng rộng lớn và linh hoạt. Với mạng lưới 629 cửa hàng FPT Shop phủ sóng trên toàn quốc, Vietcombank đã có thêm hơn 600 chi nhánh mà không cần tốn kém chi phí mở rộng mặt bằng truyền thống.

Về phía FPT Shop, việc trở thành đại lý thanh toán cho một ngân hàng uy tín như Vietcombank không chỉ gia tăng lưu lượng khách hàng đến cửa hàng mà còn tạo ra một nguồn doanh thu mới từ phí giao dịch.

Sự tiện lợi của dịch vụ nộp - rút tiền sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng đến trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ công nghệ khác mà chuỗi này đang cung cấp.

Để thực hiện giao dịch, khách hàng chỉ cần mang theo CCCD, hoặc điện thoại di động đã cài đặt ứng dụng Vietcombank. Mỗi khách hàng được phép giao dịch tối đa 20 triệu đồng/ngày, một hạn mức phù hợp cho các giao dịch cá nhân thông thường.

Biến hơn 600 cửa hàng FPT Shop thành cây ATM rút, chuyển tiền. Ảnh: DN

Biến hơn 600 cửa hàng FPT Shop thành cây ATM rút, chuyển tiền. Ảnh: DN

FPT Shop đang kinh doanh ra sao?

Trong bức tranh kinh doanh chung của FPT Retail vào quý I/2025, FPT Shop đã không còn là đầu tàu tăng trưởng và chỉ đóng góp khoảng 31% vào doanh thu cả công ty.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2025, FPT Shop mang về cho FPT Retail doanh thu 3.682 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Trong quý, chuỗi này tiếp tục thực hiện chiến lược tái cơ cấu và tối ưu điểm bán, khi số lượng cửa hàng giảm 115 điểm so với cùng kỳ 2024.

Đồng thời, FPT Shop cũng tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung vào các ngành hàng tiềm năng, ghi nhận tín hiệu tích cực như: đồng hồ, thiết bị đeo thông minh, máy tính bảng và phụ kiện âm thanh...

Một điểm sáng khác của FPT Shop là dịch vụ viễn thông MVNO và dịch vụ bảo hành đang đem lại đa dạng tiện ích cho khách hàng và tạo sự khác biệt cho chuỗi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Trước đó, FPT Shop đã thử nghiệm và đưa vào hoạt động đồng nhiều trung tâm điện máy tại các tỉnh thành trên toàn quốc như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk, Hải Phòng, Cao Bằng.

Quy mô các cửa hàng điện máy của FPT Shop tương đối lớn, với diện tích hơn 200m2/cửa hàng cùng danh mục sản phẩm điện máy, gia dụng đa dạng với hơn 200 mẫu mã đến từ 30 thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới.

Ban lãnh đạo FPT Retail tin rằng, việc chuyển đổi mô hình từ cửa hàng FPT Shop thông thường sang FPT Shop Điện máy sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/fpt-shop-bien-600-cua-hang-thanh-diem-rut-tien-mat-nhu-cay-atm-d40218.html
Zalo