Ấn Độ muốn tự lực trong ngành năng lượng mặt trời để giảm phụ thuộc Trung Quốc

Sino-American Silicon Products Group (SAS) - công ty mẹ của GlobalWafers - đã công bố liên doanh với Premier Energies của Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất tấm silicon cho pin mặt trời tại Hyderabad, Ấn Độ, với tỷ lệ góp vốn 26% từ SAS và Premier Energies với 74%.

Ấn Độ là quốc gia có nhu cầu năng lượng điện mặt trời cao

Ấn Độ là quốc gia có nhu cầu năng lượng điện mặt trời cao

Liên doanh này đánh dấu bước tiến chiến lược của SAS vào thị trường năng lượng mặt trời Ấn Độ, với nhà máy có công suất ban đầu 2GW, sản xuất tấm silicon từ các thỏi polysilicon. Dự án sẽ tận dụng chuyên môn của GlobalWafers, nhà sản xuất tấm silicon bán dẫn hàng đầu, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo tại Ấn Độ.

Mục tiêu tự lực sản xuất pin mặt trời

Nhà máy dự kiến khởi công trong năm nay và bắt đầu sản xuất vào năm 2026, góp phần vào mục tiêu tự lực sản xuất pin mặt trời của Ấn Độ. Premier Energies, một trong những nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời hàng đầu Ấn Độ, sẽ đóng vai trò chính trong việc vận hành và phân phối sản phẩm.

Sự hợp tác này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt khi các chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

SAS, với kinh nghiệm trong ngành bán dẫn và năng lượng mặt trời, kỳ vọng liên doanh sẽ củng cố vị thế của mình tại thị trường Ấn Độ, nơi dự kiến đạt mục tiêu 175 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Dự án cũng sẽ tạo ra hàng trăm việc làm công nghệ cao và hỗ trợ các sáng kiến năng lượng xanh của chính phủ Ấn Độ, như Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA).

Liên doanh giữa SAS và Premier Energies là một phần trong xu hướng các công ty toàn cầu đầu tư vào Ấn Độ, tận dụng chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước và tiềm năng tăng trưởng của thị trường năng lượng tái tạo.

Tiềm năng của Ấn Độ

Ấn Độ nằm trong vành đai mặt trời, với số giờ nắng và cường độ bức xạ mặt trời cao trên khắp cả nước, tạo điều kiện lý tưởng cho việc sản xuất điện mặt trời.

Về nhu cầu năng lượng, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn và đang phát triển nhanh nhất thế giới, với dân số đông đảo và ngày càng tăng. Điều này kéo theo nhu cầu điện tăng mạnh mẽ, thúc đẩy sự cần thiết phải mở rộng công suất phát điện.

Năm 2024, Ấn Độ đã bổ sung kỷ lục 30,7GW điện mặt trời mới, tăng 145% so với 12.5GW vào năm 2023. Tổng cộng, điện mặt trời chiếm gần 73% tổng công suất điện mới bổ sung của Ấn Độ trong năm 2024.

Đến tháng 1.2025, tổng công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Ấn Độ đã đạt 217,62GW. Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, giữ vững vị trí thứ 3 trên thế giới về sản xuất năng lượng tái tạo.

Ấn Độ đã đặt ra các mục tiêu rất tham vọng trong lĩnh vực này. Cụ thể, đạt 50% công suất lắp đặt năng lượng điện tích lũy từ các nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; đạt 500GW công suất điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, trong đó dự kiến 300GW sẽ đến từ năng lượng mặt trời và cuối cùng là đạt trung hòa carbon vào năm 2070.

Hiện nay, giá thành lắp đặt điện mặt trời và sản xuất tấm pin PV đã giảm đáng kể trong những năm qua, làm tăng tính cạnh tranh của điện mặt trời so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Ấn Độ cũng đang tích cực ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, cảm biến, dữ liệu lớn để tối ưu hóa hoạt động, dự báo và quản lý tài sản trong các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô lớn. Sứ mệnh Hydrogen quốc gia cũng sẽ thúc đẩy phát triển hydro xanh sử dụng năng lượng tái tạo.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-do-muon-tu-luc-trong-nganh-nang-luong-mat-troi-de-giam-phu-thuoc-trung-quoc-232790.html
Zalo