Fed sẽ không vội cắt giảm lãi suất khi kinh tế Mỹ đứng trước nhiều ẩn số
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, trong bối cảnh bất định hiện nay, Fed sẽ không vội vàng can thiệp hỗ trợ thị trường, bất chấp những rủi ro đang hiện hữu đối với tài sản hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome Powell
Trong quá khứ, ông Powell từng hành động rất dứt khoát khi nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng: phát biểu trực tiếp trên truyền hình trong đại dịch COVID-19 để trấn an thị trường, phát biểu cứng rắn về lạm phát vào năm 2022 và nhanh chóng can thiệp sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank năm 2023.
Tuy nhiên, hiện tại Fed đang trong thế chờ đợi, khi các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump - đặc biệt là loạt thuế quan mới công bố - khiến triển vọng kinh tế trở nên khó lường. Theo ông Powell, trong thời điểm đầy bất định này, đây không phải là lúc để áp dụng một “Fed put” - thuật ngữ chỉ hành động hỗ trợ thị trường chứng khoán khi lao dốc.
“Có rất nhiều điều đang phải chờ và quan sát, bao gồm cả từ phía chúng tôi, và đó có vẻ là điều đúng đắn trong bối cảnh bất định như hiện nay”, ông Powell nói, ám chỉ rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trừ khi tình hình thực sự yêu cầu phản ứng rõ ràng từ ngân hàng trung ương.
Báo cáo việc làm tháng Ba tiếp tục cho thấy thị trường lao động tại Mỹ vẫn vững vàng. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý rằng số liệu này được thu thập trước khi ông Trump công bố tăng thuế nhập khẩu, do đó chưa phản ánh tác động từ các chính sách mới.
“Hiện tại vẫn chưa rõ con đường phù hợp cho chính sách tiền tệ. Chúng tôi sẽ cần chờ xem mọi thứ diễn ra như thế nào”, Chủ tịch Fed nhận định.
Thị trường lao dốc, Fed vẫn giữ lập trường thận trọng
Đà bán tháo tiếp tục diễn ra trên Phố Wall vào đầu tuần này, khi các chỉ số chính giảm thêm từ 1-2%, sau khi đã giảm hai chữ số vào cuối tuần trước. Dù Fed từng có tiền lệ phát đi thông điệp sớm khi nhận thấy rủi ro lan rộng trên thị trường, đợt điều chỉnh hiện nay - chủ yếu tập trung ở thị trường cổ phiếu - vẫn chưa đủ nghiêm trọng để kích hoạt phản ứng.
Các chuyên gia nhận định việc thị trường cổ phiếu biến động có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế thông qua tâm lý tiêu dùng và tài sản hộ gia đình. Tuy nhiên, loạt tín hiệu trái chiều trong những tuần đầu của chính quyền mới đang khiến Fed chưa thể xác định chiến lược cụ thể.
Hiện nay, nguyên tắc hành động “nhanh và dứt khoát khi vấn đề đã rõ ràng” đã trở thành kim chỉ nam của ngân hàng trung ương hiện đại. Tuy nhiên, đối với Fed, việc hành động quá sớm và sau đó phải đảo ngược chính sách cũng mang lại nhiều rủi ro. Đó là điều ông Powell muốn tránh, nhất là trong bối cảnh lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ và có thể đòi hỏi lãi suất tiếp tục ở mức cao.
Tác động từ thuế quan và nguy cơ suy thoái
Fed đã nâng lãi suất mạnh trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát, sau đó cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm vào năm 2024 khi áp lực giá giảm dần. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách đang tạm thời giữ nguyên lập trường, theo dõi các động thái tiếp theo từ chính quyền Trump, đặc biệt là khả năng ban hành thêm các biện pháp tài khóa và thuế quan.
“Việc đầu tiên Chủ tịch Powell cần làm là bác bỏ suy đoán rằng Fed chuẩn bị cắt giảm mạnh lãi suất”, ông Alan Blinder, cựu Phó Chủ tịch Fed và Giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton bình luận và thêm rằng: “Nhưng điều đó không có nghĩa Fed sẽ không cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế suy thoái. Nếu kịch bản đó xảy ra, Fed chắc chắn sẽ hành động”.
Dù chưa bao giờ được thừa nhận công khai, khái niệm “Fed put” - hành động hỗ trợ thị trường tài chính khi có biến động lớn - đã trở thành niềm tin gần như mặc định của giới đầu tư Phố Wall trong suốt gần 40 năm. Khái niệm này xuất hiện lần đầu sau sự kiện “Thứ Hai Đen” năm 1987, khi Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan nhanh chóng hạ lãi suất và bơm thanh khoản để ngăn đà sụp đổ thị trường.
Tuy nhiên, hiện tại Fed đang vướng vào tình thế “lưỡng nan”, khi kinh tế có dấu hiệu suy yếu trong khi lạm phát có thể bùng phát trở lại do ảnh hưởng từ các đợt tăng thuế nhập khẩu quy mô lớn của Mỹ.
“Khi đối mặt với lạm phát cao, chúng tôi biết rõ cần phải làm gì và đã hành động. Trong đại dịch, định hướng chính sách cũng rất rõ ràng. Nhưng lần này thì khác”, ông Powell nói.
Theo Chủ tịch Fed: “Đây là cú sốc không đến từ đại dịch, không từ gián đoạn chuỗi cung ứng hay cấm vận năng lượng, mà từ một quyết định chính sách cụ thể của Nhà Trắng về việc đánh thuế nhập khẩu ở mức cao chưa từng thấy”.
Giới phân tích cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. JPMorgan mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ trong năm 2025 xuống -0,3%, so với mức +1,3% trước đó. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 5,3%, từ mức hiện tại 4,2%.
Không loại trừ nguy cơ đình lạm
Theo các dự báo mới, mức thuế trung bình trên tổng giá trị 3.000 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm của Mỹ có thể tăng gấp 10 lần, từ mức khoảng 2,5% hiện nay lên 25% hoặc cao hơn.
Tác động tức thì được dự báo sẽ là giá cả tăng mạnh, khi các doanh nghiệp chuyển chi phí sang người tiêu dùng. Từ đó, lạm phát toàn phần có thể tăng thêm ít nhất 1 điểm phần trăm so với mức hiện tại, khiến mục tiêu 2% của Fed càng khó đạt được.
Khi giá cả tăng, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư có thể chững lại, tạo ra nguy cơ đình lạm - tình trạng lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng yếu (stagflation).
Dù vậy, ông Powell khẳng định Fed hiện chưa rơi vào thế xung đột giữa hai mục tiêu chính: kiểm soát lạm phát và giữ vững việc làm.
“Chúng ta chưa ở trong tình cảnh như thập niên 1970, khi lạm phát hai chữ số xảy ra cùng với thất nghiệp cao. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao hơn và có thể cả thất nghiệp cao hơn, và đó là bài toán rất khó cho một ngân hàng trung ương, vì hai mục tiêu này đòi hỏi những chính sách trái ngược”, ông nói và cho biết, Fed vẫn sẽ duy trì lập trường thận trọng trong thời gian tới.
“Chúng tôi cảm thấy không cần phải vội vàng”, ông Powell kết luận.