Đề xuất mới: Công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc
Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với nhiều nội dung mới đáng chú ý, trong đó có quy định rõ về việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian dài. Cụ thể, công chức có hai năm liên tiếp bị xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cơ quan quản lý cho thôi việc.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 54 điều, dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.
Siết kỷ luật trong đánh giá, phân loại công chức
Theo dự thảo, công chức sẽ được đánh giá dựa trên 4 nhóm tiêu chí chính, bao gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị; thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; năng lực, trách nhiệm và khả năng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; kết quả thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chí đánh giá còn bao gồm kết quả hoạt động của đơn vị được giao phụ trách, năng lực tổ chức, tập hợp và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Việc đánh giá được thực hiện định kỳ hàng năm và tại các thời điểm như trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, hoặc khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể quy định đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần tùy vào đặc thù công việc và yêu cầu quản lý.
Kết quả đánh giá sẽ được xếp theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá phải đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ và định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể.
Kết quả này sẽ được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến người được đánh giá và công khai tại cơ quan, đơn vị nơi công chức công tác.

Cán bộ, công chức huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) gải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Quang Thái/ VTC News)
Hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc
Liên quan đến xử lý công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, dự thảo nêu rõ: nếu công chức bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị đưa vào diện theo dõi.
Sau 6 tháng, nếu vẫn không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm thì cơ quan quản lý công chức sẽ bố trí người đó sang vị trí có yêu cầu thấp hơn. Trường hợp không còn vị trí phù hợp để bố trí, công chức sẽ bị cho thôi việc.
Đáng chú ý, dự thảo quy định cụ thể: "Công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc".
Bộ Nội vụ cho rằng việc bổ sung quy định này là cần thiết nhằm tăng tính răn đe, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời tạo cơ chế sàng lọc, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
Bổ sung quy định về hành vi công chức không được làm
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn những hành vi công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ. Theo đó, công chức không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
Ngoài ra, công chức không được né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ, từ chối tham gia hoặc cản trở các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong cơ quan, đơn vị.
Một số hành vi bị nghiêm cấm khác bao gồm: sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; sử dụng thông tin có được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vì mục đích cá nhân; phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, công chức cũng không được thực hiện các hành vi bị cấm trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
Theo Bộ Nội vụ, các quy định mới tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) hướng đến việc xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, năng lực và đạo đức công vụ tốt, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phát triển bền vững của đất nước.
Việc đánh giá, phân loại và xử lý nghiêm các trường hợp yếu kém là bước đi cần thiết trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Hiện Dự thảo Luật đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội xem xét trong năm 2025.