Fed lo thuế quan đẩy lạm phát tăng, muốn trì hoãn giảm lãi suất

Các chính sách tài khóa và thương mại của ông Trump đã len lỏi vào quy trình hoạch định chính sách của Fed…

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất diễn ra vào tháng 1, giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhất trí rằng họ cần chứng kiến lạm phát giảm thêm mới có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, họ cũng lo ngại thuế quan của Tổng thống Donald Trump khiến tiến trình giảm lạm phát gặp trở ngại.

Biên bản cuộc họp ngày 29/1 được Fed công bố ngày 19/2 cho thấy các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - đạt đồng thuận 100% về giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, sau 3 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm tròn 1 điểm phần trăm vào năm ngoái.

Khi đưa ra quyết định không thay đổi lãi suất, các thành viên của FOMC đã đề cập tới ảnh hưởng tiềm ẩn từ các chính sách của chính quyền mới, bao gồm áp thuế quan, nới lỏng quy chế giám sát và giảm thuế. Ủy ban nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ hiện đã “bớt thắt chặt đi nhiều” so với thời điểm khi lãi suất còn chưa giảm, và điều này giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để đánh giá tình hình trước khi có động thái bất kỳ nào tiếp theo.

Các thành viên FOMC nói trạng thái chính sách hiện tại mang lại “thời gian để đánh giá triển vọng thay đổi của các hoạt động kinh tế, thị trường lao động, và lạm phát. Phần đông các thành viên chỉ ra rằng trạng thái chính sách tiền tệ vẫn đang còn thắt chặt. Các thành viên cho rằng chừng nào nền kinh tế còn ở trạng thái gần toàn dụng về việc làm, họ muốn chứng kiến thêm bước tiến về giảm lạm phát trước khi đưa ra sự điều chỉnh mới với lãi suất quỹ liên bang”.

Các thành viên dự họp cũng đề cập đến mối lo ngại của họ về việc chính sách của chính quyền Trump có thể khiến cho lạm phát giữ ở mức cao hơn mục tiêu của Fed.

Hôm 18/2, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên ô tô, con chip và dược phẩm nhập khẩu. Tuy không nói rõ việc áp thuế quan này sẽ chỉ nhằm vào một số đối tác thương mại trên diện rộng, ông cho biết kế hoạch có thể được thực thi sớm nhất vào ngày 2/4.

Trước đó, ông đã áp thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc; thuế quan 25% lên Canada và Mexico nhưng hoãn 1 tháng; thuế quan 25% lên thép và nhôm nhập khẩu; và đưa ra kế hoạch áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các đối tác thuơng mại của Mỹ.

Tất cả những động thái này đều có khả năng khiến lạm phát ở Mỹ trở nên nóng hơn, sau khi đã nóng hơn dự báo trong tháng 1 vừa qua. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 công bố vào tuần trước cho thấy mức tăng 3% trong tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể tháng 6/2024.

Theo biên bản cuộc họp, các thành viên FOMC đã đề cập đến “tác động từ những thay đổi có thể đến trong chính sách thương mại và nhập cư, cũng như nhu cầu tiêu dùng mạnh trong nền kinh tế. Trong các cuộc trao đổi với giới chức Fed, doanh nghiệp ở một số khu vực của Mỹ đã thể hiện quan điểm muốn đẩy về phía người tiêu dùng một phần chi phí đầu vào gia tăng do thuế quan”.

Ngoài ra, các thành viên dự họp cũng nói tới “rủi ro triển vọng lạm phát tăng lên. Cụ thể, các thành viên nói đến hiệu ứng tiềm tàng của những thay đổi trong chính sách thương mại và nhập cư”.

Từ sau cuộc họp đầu tiên trong năm 2025 của Fed, hầu hết các quan chức của ngân hàng trung ương này đều bày tỏ quan điểm thận trọng về đường đi của chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Đại đa số các quan chức Fed xem mức lãi suất hiện tại là phù hợp để họ có thêm thời gian cho việc xác định nên làm gì tiếp theo.

Giới chức Fed vốn thường đặt trọng tâm vào hai yếu tố việc làm và lạm phát khi cân nhắc chính sách tiền tệ. Nhưng hiện tại, các chính sách tài khóa và thương mại của ông Trump đã len lỏi vào quy trình hoạch định chính sách của cơ quan này.

Bên cạnh mối lo ngại về thuế quan và lạm phát, biên bản cuộc họp Fed phản ánh “sự lạc quan lớn về triển vọng kinh tế, bắt nguồn một phần từ kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ nới lỏng các quy chế giám sát và điều chỉnh chính sách thuế”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thuế quan của ông Trump sẽ khiến lạm phát tăng, nhưng giới chức Fed nói rằng phản ứng của họ sẽ tùy thuộc vào việc liệu thuế quan sẽ chỉ khiến lạm phát tăng một lần hay dẫn tới sự dai dẳng của lạm phát lõi. Nếu lạm phát chỉ tăng một lần, họ có thể bỏ qua, nhưng nếu lạm phát lõi trở nên dai dẳng, việc phản ứng bằng chính sách tiền tệ sẽ là cần thiết.

Các số liệu lạm phát của Mỹ gần đây nhìn chung không đưa ra được một bức tranh rõ ràng về giá cả. Chỉ số CPI tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 1, nhưng chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) lại cho thấy áp lực lạm phát có thể suy yếu trong thời gian tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đến hiện tại vẫn cố tránh việc đồn đoán về ảnh hưởng của thuế quan với lạm phát. Tuy nhiên, các quan chức khác của Fed đã bày tỏ lo ngại vừa thừa nhận rằng các động thái thuế quan của ông Trump có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, khiến cho việc giảm lãi suất bị trì hoãn lâu hơn. Thị trường tài chính hiện dự báo Fed chỉ có 1 lần giảm lãi suất trong năm nay, có thể vào tháng 7 hoặc tháng 9.

Lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu, của Fed hiện ở khoảng 4,25-4,5%.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/fed-lo-thue-quan-day-lam-phat-tang-muon-tri-hoan-giam-lai-suat.htm
Zalo