Fecon (FCN) lợi nhuận 5 năm liền lao dốc, duy trì hoạt động nhờ vay nợ

CTCP Fecon (FCN) liên tục 5 năm liền sụt giảm lợi nhuận. Ngược lại khối nợ vay của công ty ngày một 'phình to'.

Fecon (FCN) lợi nhuận 5 năm đi lùi liên tiếp kể từ khi lên sàn

CTCP Fecon (FCN) là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực thi công nền móng công trình và đã được lên sàn từ giữa 2016. Tuy nhiên, từ khi cổ phiếu bắt đầu lên sàn HoSE, Fecon liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi theo từng năm.

Trong năm 2017, doanh thu công ty đạt 2.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu tăng lên 2.846 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng lên tương ứng 249 tỷ đồng. Kể từ đây, chuỗi trượt dài suốt 5 năm của FCN bắt đầu.

Doanh thu của Fecon trong giai đoạn sau đó từ 2018-2022 liên tục tăng trưởng, đạt đỉnh 3.484 tỷ đồng trong năm 2021, giảm nhẹ xuống 3.046 tỷ đồng trong năm 2022.

 Lợi nhuận liên tiếp sụt giảm, trong khi khối nợ vay của Fecon ngày một gia tăng.

Lợi nhuận liên tiếp sụt giảm, trong khi khối nợ vay của Fecon ngày một gia tăng.

Trái ngược với đà tăng của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Fecon giảm đều theo từng năm. Từ 249 tỷ đồng trong năm 2018 xuống chỉ còn gần 52 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, chỉ trong 5 năm, lợi nhuận sau thuế của Fecon đã giảm tới gần 80%.

Hiện tại, đã qua nửa đầu năm 2023, doanh thu lũy kế của Fecon đạt 1.283 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm. Điều đáng nói đó là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng, tương ứng 1% kế hoạch đề ra. Nếu không có gì thay đổi trong nửa cuối năm 2023 thì đây sẽ là năm thứ 6 liên tiếp Fecon sụt giảm lợi nhuận.

Quy mô nợ vay 'phình to' theo từng năm

Đi ngược lại với đà giảm của lợi nhuận, khối nợ vay của Fecon lại có xu hướng gia tăng theo từng năm. Trong giai đoạn từ 2017-2022, nợ vay ngắn hạn của Fecon chỉ tăng không giảm. Từ mức 530 tỷ đồng trong năm 2017 lên 1.767 tỷ đồng trong năm 2022.

Nợ vay dài hạn cũng có xu hướng tăng, từ mức 343 tỷ đồng trong năm 2017 lên đỉnh 1.141 tỷ đồng trong năm 2021 và giảm nhẹ xuống 941 tỷ đồng trong năm 2022.

 Lợi nhuận liên tiếp đi lùi, Fecon (FCN) duy trì hoạt động nhờ vay nợ (Ảnh TL)

Lợi nhuận liên tiếp đi lùi, Fecon (FCN) duy trì hoạt động nhờ vay nợ (Ảnh TL)

Bước sang nửa đầu năm 2023, diễn biến các khoản nợ vay của Fecon tiếp tục có xu hướng tăng mạnh tại chỉ tiêu nợ vay ngắn hạn, lên mức 2.091 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm nhẹ xuống còn 882 tỷ đồng nhưng tựu chung lại, tổng nợ vay vẫn tăng từ 2.908 tỷ cuối năm 2022 lên 2.973 tỷ đồng cuối quý 2/2023.

Một dấu hiệu nữa cho thấy áp lực nợ vay ngày càng gia tăng với Fecon theo từng năm là chi phí lãi vay. Từ năm 2017-2020, chi phí lãi vay của Fecon không biến động quá nhiều, luôn ở mức 80-90 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2021, chi phí lãi vay đã tăng lên gần 146 tỷ đồng và chạm ngưỡng 212 tỷ đồng trong năm 2022. Và hiện tại, mới qua nửa năm 2023, chi phí lãi vay của Fecon đã ghi nhận ở mức 137 tỷ đồng.

6 năm liền âm dòng tiền kinh doanh, Fecon vẫn trúng thầu thêm 4 dự án mới

Một điểm đáng chú ý nữa về hoạt động của Fecon đó là trong 7 năm lên sàn từ 2016-2023, đơn vị này có tới 6 năm âm dòng tiền kinh doanh. Duy nhất năm 2020 ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 89 tỷ đồng, 6 năm còn lại Fecon đều âm dòng tiền ít thì vài chục tỷ, nhiều lên tới 203 tỷ đồng như năm 2021.

Dòng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, lợi nhuận sụt giảm qua từng năm càng minh chứng cho việc Fecon duy trì hoạt động nhờ vay nợ.

Ngay trong tháng 8 vừa qua, Fecon cùng các công ty con trong hệ sinh thái cũng đã bị nhắc nhở vì nợ tiền Bảo hiểm xã hội. Trong đó: CTCP Fecon chậm đóng bảo hiểm 681 triệu đồng; CTCP Cọc và Xây dựng Fecon chậm đóng 1,1 tỷ đồng; CTCP Xây dựng hạ tầng Fecon chậm đóng 563 triệu đồng; CTCP Công trình ngầm Fecon Ratio chậm đóng 504 triệu đồng; CTCP Đầu tư Fecon chậm đóng 123 triệu đồng.

Trong một diễn biến khác, Fecon vừa trúng thầu 4 dự án mới với tổng giá trị lên tới 500 tỷ đồng bao gồm:

Gói thầu "cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc" tại dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng giá trị 179 tỷ đồng; Gói thầu "thi công tường vây phía Nam nhà ga 11" trị giá hơn 62 tỷ đồng thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị (metro line 3) thí điểm của TP Hà Nội; Hợp đồng trị giá 75 tỷ đồng tại dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh); Gói thầu "thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 – Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng.

Việc một đơn vị có kết quả kinh doanh sụt giảm liên tục nhiều năm liền, duy trì hoạt động nhờ vay nợ lại liên tiếp trúng thầu 4 dự án lớn khiến giới đầu tư thực sự phải đặt một dấu hỏi lớn.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/fecon-fcn-loi-nhuan-5-nam-lien-lao-doc-duy-tri-hoat-dong-nho-vay-no-post266884.html
Zalo