Fan ghép Tôn Ngộ Không yêu Lâm Đại Ngọc: Sáng tạo hay phá nguyên tác
Hiện tượng fan ghép đôi Tôn Ngộ Không và Lâm Đại Ngọc từ hai bộ phim kinh điển gây 'sốt' mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi Lục Tiểu Linh Đồng đánh giá cao sự sáng tạo, nhiều ý kiến lại lo ngại trào lưu này đang làm lệch lạc tinh thần nguyên tác.
Lục Tiểu Linh Đồng phản hồi về video fan ghép Tôn Ngộ Không yêu Lâm Đại Ngọc
Ngày 26/5, Lục Tiểu Linh Đồng, người gắn liền với vai Tôn Ngộ Không phiên bản Tây du ký (1986) phản hồi về hiện tượng ghép đôi Tôn Ngộ Không yêu Lâm Đại Ngọc (do Trần Hiểu Húc thủ vai trong Hồng lâu mộng) gây sốt trên mạng xã hội.
Người hâm mộ ghép đôi thông qua các video chỉnh sửa lại từ hai bộ phim truyền hình kinh điển của đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Lục Tiểu Linh Đồng vai Tôn Ngộ Không bản 1986.
“Các bạn trẻ gọi Tôn Ngộ Không là bạn trai lý tưởng, tôi thấy thật thú vị! Các đoạn phim lồng ghép rất tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Đây chính là cách công nghệ hiện đại thổi luồng sinh khí mới vào tác phẩm kinh điển”, ông đánh giá cao sự sáng tạo của video.
Hiện tượng này cũng khiến khán giả có cái nhìn mới về nhân vật Tề thiên đại thánh, “đào sâu” khía cạnh ít được nhắc đến, đó là sự dịu dàng đậm nhân tính, từ cảnh chia bánh cho trẻ em nghèo ở quận Phượng Tiên, đến việc hóa thân thành bà lão an ủi công chúa bên bờ sông Thiên Trúc…
Nam diễn viên chia sẻ: “Giá trị của kinh điển nằm ở chỗ mỗi thời đại đều có thể diễn giải lại theo cách riêng”.
Văn hóa ghép cặp bất chấp phù hợp hay không
Những cặp đôi gán ghép nhân vật truyện, phim ảnh bất chấp phù hợp hay không từng là trào lưu trên mạng xã hội Trung Quốc.
Những video, hình ảnh về các cặp (couple) này thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem trên các nền tảng. Một số màn ghép đôi kỳ quặc có thể kể đến như Black Widow - Bạch Tố Trinh (Thanh xà, Bạch xà), Vua Louis XIV (phim Người mang mặt nạ sắt) - Lý Tầm Hoan (phim Tiểu Lý phi đao), hay thậm chí là Voldemort (phim Harry Potter) - Lâm Đại Ngọc (Hồng lâu mộng)…
Trong thế giới fandom, đó là khi fan tự do kết hợp các nhân vật từ hai tác phẩm không liên quan thành một cặp đôi tưởng tượng, không cần quan tâm đến cốt truyện gốc hay dụng ý của tác giả. Họ có thể là fan lâu năm của nhân vật hoặc đơn giản chỉ bị hấp dẫn bởi sự kỳ quặc, thú vị của tổ hợp tưởng chừng không có điểm chung. Với cộng đồng này, không có cặp nào là không thể, miễn là người chỉnh sửa đủ sáng tạo.

Fan ghép đôi Tôn Ngộ Không và Lâm Đại Ngọc (phải).
Các video được đón nhận không chỉ ở kỹ thuật cắt dựng tinh vi, từ căn chỉnh khẩu hình, nhịp nhạc, hiệu ứng, mà còn thể hiện khả năng kể chuyện sáng tạo. Một số xây dựng thế giới song song, vòng lặp thời gian và kết cấu phức tạp đến mức phải giải thích thêm dưới phần bình luận để người xem kịp hiểu.
Không chỉ ở video, các fanfic (tác phẩm hư cấu của người hâm mộ - PV) cũng không kém cạnh với hàng loạt mô típ như: thế giới dân quốc, viết lại chương hồi theo phong cách Hồng lâu mộng hoặc đưa các yếu tố ma cà rồng, luân hồi, siêu nhiên vào cốt truyện một cách mượt mà.
Điều này góp phần tạo nên vòng lặp hấp dẫn, càng nhiều fan, càng nhiều video, từ đó lại kéo thêm người xem mới.
Mỗi người có góc nhìn riêng về các nhân vật, do vậy họ luôn tìm ra những cặp mới lạ để ghép đôi, dù cả hai chưa từng có tương tác nào trong đời thật.
Tranh cãi nổ ra
The Paper cho rằng ngày nay nhiều người trẻ thiếu thốn mối quan hệ, họ tìm kiếm cảm giác tình cảm qua phim, truyện. Cũng vì những couple giả này không lo tan vỡ, không sợ chia tay, họ càng đam mê hơn.
“Việc ghép đôi nhân vật bất chấp trên mạng không đơn thuần là hâm mộ mà còn là cách để nhiều người bù đắp những thiếu hụt tình cảm trong đời thực. Khi công việc căng thẳng, chuyện tình cảm thất bại, họ tìm chút ‘đường ngọt’ từ những mối quan hệ tưởng tượng để tiếp tục có động lực bước tiếp".

Voldemort (trong Harry Potter) và Lâm Đại Ngọc (tiểu thuyết Hồng lâu mộng) thu hút nhiều khán giả "đẩy thuyền".
Tuy nhiên, làn sóng này cũng đối mặt với phản ứng trái chiều từ fan nguyên tác. Không thiếu những lời phản đối gay gắt cho rằng hành vi ghép đôi bất chấp đang phá hoại tinh thần tác phẩm gốc.
Một số khán giả nhận định những màn ghép đôi này không nhất thiết phải nhìn nhận quá nghiêm túc. Chúng là sản phẩm của thời đại số, nơi văn hóa pha trộn tự do và tinh thần sáng tạo mang tính giải trí được đề cao. Miễn là không cố ý bóp méo nhân vật hay công kích sở thích của người khác.
Những ý tưởng kỳ lạ như thế lại có thể trở thành minh chứng cho sức sống bền bỉ của các tác phẩm kinh điển. Bởi chỉ khi nhân vật ăn sâu vào tâm trí khán giả, họ mới liên tục được giải mã và làm mới.
Trong một số video, nhân vật trong tác phẩm kinh điển bị thay xuyên tạc vì người dùng sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Cục Nghe nhìn Mạng thuộc Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã phải vào cuộc yêu cầu các nền tảng và người dùng chấn chỉnh. Sử dụng AI làm thay đổi nội dung là vi phạm quyền chuyển thể của tác phẩm gốc, theo chuyên gia.