EU xem xét tước quyền biểu quyết của Hungary vì phản đối trừng phạt Nga
Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức phiên họp vào ngày 27/5 nhằm xem xét việc tước quyền biểu quyết của Hungary tại cơ quan này, theo chương trình nghị sự vừa được công bố trên trang chủ của Hội đồng.
“Các bộ trưởng sẽ tiến hành phiên điều trần thứ tám đối với Hungary, trong khuôn khổ thủ tục Điều 7 – vốn được khởi động từ tháng 9/2018 theo đề xuất có lý do của Nghị viện châu Âu,” TASS dẫn văn bản được Hội đồng EU công bố ngày 23/5.
Điều 7 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu (TEU) cho phép đình chỉ một số quyền của quốc gia thành viên – bao gồm cả quyền bỏ phiếu trong Hội đồng EU – “nếu quốc gia đó có hành vi vi phạm nghiêm trọng và dai dẳng các giá trị nền tảng của khối, như pháp quyền, dân chủ và nhân quyền”.
Để có thể thực sự tước quyền biểu quyết của Hungary, Hội đồng EU cần phải có sự đồng thuận tuyệt đối từ tất cả các quốc gia thành viên còn lại. Đây là điều đã không xảy ra trong 7 phiên điều trần trước đó.
Theo Financial Times, lý do các quan chức cấp cao của EU muốn thảo luận về khả năng tước quyền biểu quyết của Hungary là bởi quốc gia này đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản các quyết sách trọng yếu, đặc biệt là liên quan đến các lệnh trừng phạt của EU với Nga.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Albania ngày 16/5. Ảnh: Getty
Bên cạnh đó, phiên điều trần cũng diễn ra trong bối cảnh EU đang tìm cách vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Hungary nếu quốc gia này tìm cách ngăn cản tiến trình Ukraine gia nhập liên minh. Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas ngày 10/5 cho biết Brussels đã có các phương án dự phòng nếu Budapest cản trở tư cách ứng viên của Ukraine.
“Chúng tôi có phương án B và C. Nhưng trọng tâm vẫn là phương án A – đó là đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên,” Reuters dẫn lời bà Kaja Kallas trong cuộc họp báo ngày 10/5.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào năm 2022, chính phủ Hungary dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orban liên tục đối mặt với chỉ trích từ nhiều quốc gia EU vì nhiều lần chặn hoặc làm trì hoãn các gói hỗ trợ tài chính của EU dành cho Ukraine, đồng thời phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính.
Hiện Hungary vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ từ Nga thông qua các kênh song phương, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của EU. Năm 2024, Hungary nhập khẩu từ Nga lượng khí đốt trị giá 3,67 tỷ USD và dầu thô trị giá 2,22 tỷ USD.
Ngoài ra, Moscow còn cung cấp các lò phản ứng hạt nhân trị giá 151 triệu USD cho Budapest. Hungary cũng là đối tác xuất khẩu quan trọng của Nga trong lĩnh vực dược phẩm, tiêu biểu là mặt hàng thuốc đóng gói (293 triệu USD).