EU tiếp tục gây áp lực lên Nga, nhưng phải đối diện một câu hỏi khó

Bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của EU và những nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, những diễn biến gần đây đặt ra một câu hỏi khó trả lời cho châu Âu.

Các nước EU hôm thứ Tư (ngày 19/2) đã nhất trí một vòng trừng phạt mới đối với Nga, trong đó nhắm mục tiêu vào nhôm Nga và "hạm đội bóng tối" chuyên chở nhiên liệu hóa thạch của nước này đi khắp toàn cầu.

Đáng chú ý, gói trừng phạt toàn diện này sẽ được các Bộ trưởng Ngoại giao EU chính thức thông qua và có hiệu lực vào thứ Hai tới (ngày 24/2), đúng ngày kỷ niệm dấu mốc 3 năm Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vòng trừng phạt thứ 16 của EU đối với Nga cũng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rung chuyển châu Âu bằng cách khởi động các nỗ lực đàm phán với Nga.

Các nhà lãnh đạo EU và Anh tham dự cuộc họp khẩn ở Paris, ngày 17/2/2025. Ảnh: RTE

Các nhà lãnh đạo EU và Anh tham dự cuộc họp khẩn ở Paris, ngày 17/2/2025. Ảnh: RTE

"EU đang siết chặt hơn nữa việc lách luật bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều tàu hơn trong hạm đội bóng tối của ông Putin và áp đặt lệnh cấm xuất nhập khẩu mới", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên X/Twitter hôm 19/2. "Chúng tôi cam kết tiếp tục gây áp lực lên Điện Kremlin".

Ngoài việc nhắm vào ngành nhôm béo bở của Nga, các biện pháp mới còn nhắm vào "hạm đội bóng tối" được sử dụng để lách các hạn chế đối với xuất khẩu dầu của Nga bằng cách đưa thêm 73 tàu cũ vào danh sách đen.

Các lệnh trừng phạt cũng sẽ áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng 11 cảng và sân bay ở Nga mà EU cho rằng đang được sử dụng để giúp Moscow lách biện pháp trần giá dầu và các biện pháp khác mà khối này đã áp dụng.

Ngoài ra, EU sẽ ngắt kết nối thêm 13 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và cấm thêm 8 cơ quan truyền thông Nga phát sóng ở châu Âu.

Châu Âu đang cố gắng phản ứng sau khi ông Trump đảo ngược 3 năm ủng hộ kiên định của Washington đối với Kiev bằng cách bắt đầu các cuộc đàm phán với Moscow.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và các nhà đàm phán Nga đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Ả Rập Xê-út vào thứ Ba (ngày 18/2) để mở đường cho việc đạt được thỏa thuận về Ukraine.

Các nước châu Âu đang khẩn trương cố gắng lên tiếng vì họ lo ngại Ukraine có thể phải chấp nhận một thỏa thuận tồi, mà sau đó có thể khiến Moscow tuyên bố chiến thắng.

Mỹ đã tuyên bố rằng cuối cùng EU sẽ phải đóng một vai trò trong các cuộc đàm phán do các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt đối với Nga.

Bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của EU và những nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Moscow, những diễn biến gần đây đặt ra một câu hỏi khó trả lời: Liệu châu Âu có phải là bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài này không?

Ông Jeffrey Sachs, một nhà phân tích chính trị người Mỹ và là giáo sư tại Đại học Columbia, từ lâu đã nhấn mạnh rằng châu Âu và Ukraine là những bên chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến này.

"Không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này. Mọi người đều đang thua cuộc. Tất nhiên, Ukraine là bên thua cuộc lớn nhất, vì điều này gây ra hậu quả tàn khốc cho đất nước. Châu Âu là bên thua cuộc lớn tiếp theo vì hậu quả kinh tế và xã hội là rất lớn", ông nói.

Theo ông Sachs, châu Âu đã trở thành nạn nhân kinh tế của cuộc xung đột, hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng, phi công nghiệp hóa và lạm phát.

Bà Samantha de Bendern, chuyên gia tại Chatham House, đồng tình với quan điểm này, chỉ ra rằng điều tương tự cũng xảy ra ở Riyadh. "Các quyết định về tương lai của Ukraine và an ninh châu Âu đã được đưa ra ở nơi khác, mà không có EU tham gia. Điều này gửi đi một thông điệp đáng lo ngại", bà nói với TRT World, nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng tăng của châu Âu.

Minh Đức (Theo Kyiv Post, TRT World)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/eu-tiep-tuc-gay-ap-luc-len-nga-nhung-phai-doi-dien-mot-cau-hoi-kho-204250219211747372.htm
Zalo