EU tăng tần suất kiểm tra với sầu riêng Việt Nam

Từ ngày 8/1/2025, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% và lý do được EU đưa ra là trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn còn cao.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, ngày 18/12/2024, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các bên ngoài vào EU theo quy định 2019/1793 và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.

Nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%

Cụ thể, EU nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại Phụ Lục I, lý do trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.

Từ ngày 8/1/2025, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% (Ảnh minh họa)

Từ ngày 8/1/2025, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với Thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (theo quy định tại Phụ lục II). Lý do trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm quy định MRL không giảm do đó EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước;

Quy định này có hiệu lực từ ngày 8 tháng 01 năm 2025.

Thông tin chi tiết tham khảo tại link: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=OJ:L_202403153

Thêm đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ đối với sản phẩm từ Việt Nam

Cũng liên quan tới kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào EU, trước đó, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định (EU) 2024/3121 ngày 16/12/2024 về việc sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 liên quan đến việc công nhận một số tổ chức/đơn vị thực hiện kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ tại các nước thứ ba đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU theo Điều 46 của Quy định (EU) 2018/848 của Hội đồng và Nghị viện châu Âu.

Quy định này sửa đổi phụ lục II Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 liệt kê một số tổ chức/đơn vị được EU công nhận thực hiện các dịch vụ kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ đối với các nhóm sản phẩm nhập khẩu vào EU.

Theo Quy định (EU) 2024/3121, một số Tổ chức/ Đơn vị có tên được công nhận thực hiện kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ đối với các sản phẩm từ Việt Nam, bao gồm:

1/ Beijing Continental Hengtong Certification Co., Ltd: Việt Nam: Code VN-BIO-181; Các Nhóm sản phẩm: A, B, E, D, G

2/ QS POLSKA SPÓŁKA Z OGRANICZONĄ ODPOWIEDZIALNOŚCIĄ (); Việt Nam: Code VN-BIO-132; Các Nhóm sản phẩm: A, B, D, G

3/ FOOD SAFETY S.A: Việt Nam: Code VN-BII-203 Các Nhóm sản phẩm: A, D.

Trong đó, sản phẩm nhóm A gồm thực vật và sản phẩm thực vật chưa qua chế biến, bao gồm hạt giống và các vật liệu làm giống khác;

Sản phẩm nhóm B gồm động vật và sản phẩm động vật chưa chế biến

Sản phẩm nhóm D gồm sản phẩm nông nghiệp chế biến, bao gồm sản phẩm nuôi trồng thủy sản, để sử dụng làm thực phẩm;

Sản phẩm nhóm E: Thức ăn chăn nuôi;

Sản phẩm nhóm F: Rượu vang;

Sản phẩm nhóm G bao gồm các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định (EU) 2018/848 hoặc không thuộc các danh mục trên)

Quy định này áp dụng sau 3 ngày EU công bố (từ ngày 16/12/2024), chi tiết tham khảo tại đường link https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=OJ:L_202403121.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/eu-tang-tan-suat-kiem-tra-voi-sau-rieng-viet-nam-131594.htm
Zalo