EU phản ứng với các mối đe dọa về thuế quan công nghệ của Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) đã có phản ứng quyết liệt trước lời đe dọa áp thuế của Mỹ đối với các đạo luật công nghệ mới. Ủy ban châu Âu tuyên bố sẵn sàng bảo vệ quyền tự chủ và lợi ích kinh tế của mình, đồng thời khẳng định các quy định của EU không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước đe dọa áp thuế quan của Nhà Trắng đối với luật công nghệ của khối này, khẳng định sẵn sàng "phản ứng nhanh chóng và quyết đoán" để bảo vệ quyền lợi của mình nếu cần thiết.

Ngày 25/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức phản hồi bản ghi nhớ từ Nhà Trắng về việc dọa áp dụng thuế quan đối với EU liên quan đến các quy định về công nghệ. Phía EU bày tỏ lo ngại về những diễn giải rộng rãi được phản ánh trong bản ghi nhớ của Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo về những hành động đơn phương mà nó có thể gây ra và tác động tiềm tàng đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Thomas Regnier, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh: "EU vẫn cam kết mạnh mẽ đối với thị trường mở, luật pháp và thuế không phân biệt đối xử, cũng như bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ, hoàn toàn phù hợp với các quy tắc thương mại toàn cầu". Tuyên bố này được đưa ra nhằm phản bác cáo buộc từ phía Mỹ rằng các quy định của EU có tính phân biệt đối xử với các công ty công nghệ Mỹ.

Tranh chấp về thuế dịch vụ kỹ thuật số

Căng thẳng giữa hai bên bắt nguồn từ việc Nhà Trắng đe dọa áp dụng thuế quan để chống lại thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST), tiền phạt và các chính sách mà các chính phủ nước ngoài áp dụng cho các công ty Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với DST của các quốc gia thành viên EU.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu khẳng định rằng thuế DST không mang tính phân biệt đối xử và được áp dụng cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật số lớn bất kể trụ sở đặt tại đâu. Theo quan điểm của EU, DST hoạt động giống như "bất kỳ hình thức đánh thuế nào khác" và nhằm đảm bảo rằng mọi công ty đều phải trả phần lợi nhuận của mình trên thị trường nếu họ tạo ra doanh thu và lợi nhuận tại đây.

Không chỉ DST, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU cũng nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Đây là hai đạo luật quan trọng nhằm điều chỉnh hoạt động của các nền tảng số lớn tại thị trường châu Âu.

Người phát ngôn Regnier giải thích rằng cả DSA và DMA đều được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực kỹ thuật số lớn hoạt động trong thị trường chung EU, không riêng gì các công ty Mỹ. Theo ông, các quy định này nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh trong không gian kỹ thuật số.

Mặc dù bày tỏ lo ngại, Ủy ban châu Âu vẫn khẳng định sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các đối tác thương mại khác để tìm ra giải pháp toàn cầu cho những thách thức chung. Đây được xem là cánh cửa mở cho đối thoại giữa hai bên nhằm tránh một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.

Tuy nhiên, EU cũng gửi một thông điệp cứng rắn: "Nếu cần, EU sẽ phản ứng nhanh chóng và quyết đoán để bảo vệ quyền và quyền tự chủ về mặt quản lý của mình trước các biện pháp phi lý". Tuyên bố này cho thấy EU sẽ không ngần ngại đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa châu Âu.

Căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng với chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/eu-phan-ung-voi-cac-moi-de-doa-ve-thue-quan-cong-nghe-cua-my-20250225182950261.htm
Zalo