EU nhất trí tăng cường năng lực quốc phòng, đối phó Nga

Ngày 3/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa khả năng phòng thủ trước Nga và các mối đe dọa khác bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng và khắc phục những thiếu sót trong năng lực quân sự.

EU không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ

Cụ thể, theo hãng tin Reuters, tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc phòng EU diễn ra ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý tập trung vào việc bù đắp những thiếu hụt về vũ khí, trang thiết bị quốc phòng bao gồm các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, tên lửa, đạn dược và vận tải quân sự.

Các nhà lãnh đạo EU đang dần tìm cách giảm lệ thuộc vào Mỹ trong việc tăng cường năng lực quốc phòng (Ảnh: AP).

Các nhà lãnh đạo EU đang dần tìm cách giảm lệ thuộc vào Mỹ trong việc tăng cường năng lực quốc phòng (Ảnh: AP).

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU còn thảo luận về cách thức cung cấp tài chính để đạt được những ưu tiên nói trên song đã không đạt được thỏa thuận chi tiết. Dù vậy, Ủy ban châu Âu nhất trí tìm ra cách thức linh hoạt hơn đối với các quy tắc tài chính công của EU nhằm giúp cho việc tăng chi tiêu quốc phòng trở nên dễ dàng hơn.

"Châu Âu về cơ bản cần một cú hích lớn trong quốc phòng. Để làm được điều đó, nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta phải được củng cố. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư chưa đủ vào quốc phòng. Do đó, nhu cầu cấp bách hiện nay là phải tăng chi tiêu quốc phòng một cách mạnh mẽ", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu sau Hội nghị.

Cùng chung quan điểm với bà Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh, dù đã làm được rất nhiều điều trong lĩnh vực quốc phòng song EU vẫn cần phải nỗ lực để làm tốt hơn, mạnh hơn và nhanh hơn nữa.

Trong những năm gần đây, các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng với lý do đối phó với những mối đe dọa từ Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine từ tháng 2/2022. EU ngày càng nhận thức rõ họ không thể quá phụ thuộc vào Mỹ để bảo vệ châu Âu trong tương lai.

Nỗ lực của các nhà lãnh đạo EU càng được thúc đẩy bởi những hoài nghi về cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các quốc gia thành viên NATO cũng như yêu cầu của ông rằng EU cần phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Bên cạnh đó, cuối tuần qua, ông Trump còn đe dọa sẽ sớm áp thuế nhập khẩu cao đối với EU, sau khi ra lệnh áp dụng các biện pháp tương tự đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Song, việc áp thuế đối với Canada và Mexico đã bị tạm dừng trong vòng 30 ngày kể từ ngày 3/2, sau khi 2 quốc gia nói trên chấp thuận nhượng bộ các yêu cầu từ ông Trump về việc thắt chặt an ninh biên giới nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và chống buôn bán ma túy.

Cần thêm hơn 500 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng

Năm ngoái, các quốc gia EU đã chi trung bình 1,9% GDP, tương đương khoảng 334,5 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 30% so với năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng họ cần chi tiêu nhiều hơn nữa. Ủy ban châu Âu ước tính EU có thể cần chi thêm 528 tỷ USD trong thập kỷ tới để khắc phục những thiếu hụt quan trọng trong quốc phòng.

EU đang cần nguồn tài chính rất lớn để có thể mạnh tay tăng cường chi tiêu quốc phòng (Ảnh: Reuters).

EU đang cần nguồn tài chính rất lớn để có thể mạnh tay tăng cường chi tiêu quốc phòng (Ảnh: Reuters).

Để làm được điều này, theo bà Von der Leyen và ông Costa, EU có một số lựa chọn tiềm năng về mặt tài chính để tăng chi tiêu quốc phòng, bao gồm tăng cường chi tiêu công, thúc đẩy vai trò mở rộng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và huy động vốn tư nhân.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump từng tuyên bố các thành viên châu Âu của NATO cần nâng mức chi tiêu cho quốc phòng lên 5% GDP. Đây được coi là mục tiêu rất cao mà hiện chưa có quốc gia thành viên NATO nào, kể cả Mỹ, đạt được.

Được mời tham gia bữa tiệc tối tại Brussels để thảo luận về hợp tác quốc phòng Anh - EU, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bày tỏ mong muốn EU hợp tác với Anh để mở rộng phạm vi phòng thủ của châu Âu trong 5 lĩnh vực then chốt bao gồm cải thiện năng lực hậu cần; bảo vệ các quốc gia trước những mối đe dọa và hành vi phá hoại, phát triển công nghệ quân sự, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hợp tác trong sứ mệnh quân sự.

Ngoài ra, ông Starmer cũng hối thúc các nhà lãnh đạo EU cần tạo thêm áp lực về kinh tế với Nga nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của nước này.

"Chúng ta cần sự đồng lòng của tất cả các đồng minh, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. Tôi có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này là nhằm thúc đẩy hợp tác với các đối tác châu Âu hòng gây thêm áp lực lên lĩnh vực năng lượng và các công ty đang giúp cung cấp tài chính cho các nhà máy sản xuất tên lửa của Nga có thể hoạt động", ông Starmer nhấn mạnh.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo nước Anh tham gia sự kiện kể từ khi Anh rời khỏi EU vào năm 2020.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/eu-nhat-tri-tang-cuong-nang-luc-quoc-phong-doi-pho-nga-192250204100906177.htm
Zalo