EU 'nhận trái đắng' từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Gazprombank?

Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, việc Washington áp đặt lệnh cấm vận với ngân hàng Nga Gazprombank có thể khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

Các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu có thể biến động mạnh do lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngân hàng Nga Gazprombank. Ảnh: Energyintel.com

Các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu có thể biến động mạnh do lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngân hàng Nga Gazprombank. Ảnh: Energyintel.com

Theo nhận định của giới phân tích, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường khí đốt của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Bộ Tài chính Mỹ ngày 21/11 thông báo áp đặt các lệnh cấm vận đối với hơn 50 tổ chức cho vay của Nga, bao gồm Gazprombank và 6 công ty con tại nước ngoài của ngân hàng này.

Các biện pháp trừng phạt mới đã ngắt một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống SWIFT, nghĩa là Gazprombank không còn có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD nữa. Tài sản của Gazprombank tại Mỹ cũng bị đóng băng.

Chuyên gia Aleksandr Potavin của Finam Financial Group hôm 22/11 cảnh báo, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank dự kiến sẽ khiến chi phí năng lượng tăng vọt ở một số khu vực của châu Âu.

Vị chuyên gia này dự đoán rằng rủi ro về các hạn chế thứ cấp sẽ buộc người mua dầu và khí đốt Nga phải tìm kiếm các công cụ thanh toán mới.

“Do lệnh trừng phạt mới đối với Gazprombank, các nhà nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ Nga phải tìm kiếm các phương thức thanh toán thay thế có khả năng làm phức tạp toàn bộ quy trình, tăng rủi ro và khiến thủ tục thanh toán trở nên tốn kém hơn” - ông Potavin nói với hãng tin Tass của Nga.

Ông Potavin lưu ý thêm rằng các khách hàng của Nga tại châu Âu có thể sử dụng tài khoản tại các ngân hàng khác hoặc thanh toán nguồn cung năng lượng thông qua các loại tiền tệ khác trên thế giới như một giải pháp thay thế.

“Các lệnh trừng phạt mới sẽ dẫn đến việc tăng giá dầu khí Nga tại châu Âu và không thể loại trừ khả năng gián đoạn nguồn cung vì tất cả những điều này tạo ra rủi ro mới cho các công ty nước ngoài hợp tác với Nga,” ông giải thích.

Theo chuyên gia Alexander Frolov tại Trung tâm thông tin năng lượng InfoTek, các biện pháp hạn chế mới nhất sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến những khách hàng năng lượng của Nga, những người trước đây đã đồng ý thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Ông cho biết, chúng sẽ chỉ áp dụng cho các cá nhân và pháp nhân chịu sự quản lý của Mỹ.

Tuy nhiên, nhà phân tích Frolov thừa nhận, các công ty sử dụng đồng ruble để mua năng lượng của Nga đối mặt nguy cơ chịu tác động bởi lệnh trừng phạt thứ cấp.

Cũng đưa ra cảnh báo tương tự, giáo sư Yevgeny Kogan thuộc Trường Kinh tế Cao cấp Moscow cho biết, EU sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung khí đốt do Nga phải tìm giải pháp thay thế về thanh toán và giao dịch năng lượng.

Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Gazprombank ngay sau khi bùng phát chiến sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, nhưng Mỹ trước đó đã tránh các biện pháp hạn chế tương tự vì ngân hàng này được các quốc gia EU sử dụng để thanh toán tiền khí đốt của Nga.

Bình luận về các lệnh trừng phạt của Mỹ, Gazprombank cho biết các biện pháp này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng ở Nga, đồng thời lưu ý rằng tất cả các thẻ ngân hàng, bao gồm cả những thẻ sử dụng hệ thống thanh toán nước ngoài, sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường.

Cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt là một nỗ lực của Washington nhằm cản trở xuất khẩu khí đốt của Nga, nhưng chắc chắn Moscow sẽ có giải pháp đối phó thách thức này.

Nga nhiều lần khẳng định, các lệnh trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp. Moscow cũng tuyên bố rằng phương Tây đã không đạt được mục tiêu cuối cùng là gây bất ổn cho nền kinh tế Nga và cô lập đất nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Thay vào đó, các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây đã phản tác dụng.

Nguồn cung cấp khí đốt đường ống của Nga cho châu Âu đã giảm đáng kể do các biện pháp hạn chế liên quan đến chiến sự tại Ukraine và vụ phá hoại các đường ống Nord Stream hồi tháng 9/2022.

Mặc dù tuyên bố sẽ ngừng mua năng lượng của Nga, EU vẫn là một trong những khách hành mua nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga trên thế giới.

Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), trong tháng 8 năm nay, khí đốt đường ống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch mua nhiên liệu hóa thạch của EU từ Nga (54%), tiếp theo là khí tự nhiên hóa lỏng LNG (25%).

Trong khi đó, Sputnik hôm 21/11 đưa tin Nga đã trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất sang EU lần đầu tiên vào tháng 9 năm nay kể từ mùa xuân năm 2022, với thị phần đạt 23,7%.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng 9, các công ty châu Âu đã mua 1,48 tỷ USD khí đốt từ Nga, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khí LNG chiếm 40% lượng mua, 60% còn lại là khí đốt qua đường ống.

Lần cuối cùng Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất sang châu Âu là vào tháng 5/2022 khi thị phần của Moscow chiếm 22,9%. Trong tháng 9, thị phần của Nga là 23,74%, tăng so với con số 16,54% hồi tháng 8. Thị phần khí đốt của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu là 21%, đứng thứ 3 sau Algeria.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/eu-nhan-trai-dang-tu-lenh-trung-phat-moi-cua-my-nham-vao-gazprombank.html
Zalo