EU muốn đoạn tuyệt năng lượng Nga: Liệu có khả thi?
Ủy ban châu Âu đã công bố lộ trình nhằm đoạn tuyệt nguồn năng lượng Nga vào năm 2027, liệu ý định này có khả thi?
Sau nhiều tháng trì hoãn và chịu sự chỉ trích ngày càng tăng về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Ủy ban châu Âu đã công bố lộ trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga khỏi lục địa này.
Đầu tháng 5, Ủy viên Năng lượng châu Âu Dan Jorgensen đã trình bày kế hoạch được mong đợi từ lâu nhằm mục đích biến các lời hứa chính trị của EU thành các biện pháp mang tính ràng buộc.
"Chúng tôi đã cố gắng đưa ra một dự luật đảm bảo rằng chúng tôi sẽ loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga khỏi hỗn hợp năng lượng của mình" - ông Jorgensen nói với tờ DW.
Tuy nhiên, với thực tế dòng nhiên liệu hóa thạch vẫn mạnh và sự chia rẽ nội bộ EU ngày càng gia tăng, các chuyên gia vẫn còn hoài nghi về kế hoạch trên của EU.

Ủy ban châu Âu đã công bố lộ trình nhằm đoạn tuyệt nguồn năng lượng Nga vào năm 2027. Ảnh: UKRAINSKA PRAVDA
Kế hoạch đề xuất cách tiếp cận theo 2 giai đoạn: Cấm các hợp đồng khí đốt mới với các nhà cung cấp của Nga vào cuối năm 2025 và loại bỏ toàn bộ lượng nhập khẩu còn lại vào năm 2027.
Nhập khẩu LNG của Nga vẫn tăng
Động thái trên của EU diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu LNG của Nga vào lục địa châu Âu tăng mạnh. Mặc dù tổng lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu của EU từ Nga đã giảm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, nhưng lượng nhập khẩu LNG và khí đốt đường ống của Nga đã tăng 18% vào năm 2024, theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat.
Trong năm 2024, EU đã chi 23 tỉ euro (26 tỉ USD) cho nhiên liệu hóa thạch của Nga. Lộ trình mới được thiết lập để ngăn chặn điều đó.
Nhà nghiên cứu Pawel Czyzak tại Viện nghiên cứu năng lượng Ember (Anh) coi kế hoạch mới nhất của Ủy ban châu Âu là động thái nhằm đẩy nhanh mục tiêu hướng tới sự độc lập của châu Âu khỏi dầu khí của Nga - vốn đã phức tạp ngay từ đầu.
Ông Czyzak nhận định với DW rằng châu Âu rất khó thoát khỏi hoàn toàn nguồn năng lượng Nga. Mặc dù tỉ trọng khí đốt của Nga trong hỗn hợp năng lượng của EU đã giảm, ông Czyzak lưu ý rằng nó vẫn chiếm 17,5–19% tổng lượng nhập khẩu vào năm 2024.
Một mặt, EU đã phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng kể từ cuộc chiến ở Ukraine, thúc đẩy các lời kêu gọi khẩn cấp nhằm chấm dứt quan hệ năng lượng với Moscow. Mặt khác, sự gián đoạn mà Nga gây ra cho thị trường năng lượng toàn cầu kể từ năm 2021 đã gây ra những thách thức kinh tế — giá năng lượng tăng cao đối với ngành công nghiệp và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng đối với các hộ gia đình tại EU.
"Đó là lý do tại sao cách tiếp cận của Ủy ban châu Âu lại không nhất quán" - nhà nghiên cứu Czyzak nói thêm.
Nội khối không nhất quán
Cho đến nay, LNG vẫn chưa nằm trong các gói trừng phạt của EU đối với Nga. Vào tháng 3, Ủy ban châu Âu đã ban hành quy định cấm vận chuyển LNG của Nga qua các cảng châu Âu đến các quốc gia ngoài EU. Tuy nhiên, việc nhập khẩu LNG của Nga để tiêu thụ trong châu Âu vẫn không bị ảnh hưởng và một số quốc gia đã tận dụng điều này.
Theo công cụ theo dõi European LNG Tracker của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), LNG của Nga tiếp tục đi vào châu Âu chủ yếu thông qua Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha.
Nhờ cơ sở hạ tầng LNG tiên tiến, Pháp là quốc gia EU nhập khẩu LNG của Nga nhiều nhất, tăng 81% vào năm 2024, trả cho Nga 2,68 tỉ euro.

Một tàu chở LNG. Ảnh: BLOOMBERG
Nhà phân tích năng lượng Ana Maria Jaller-Makarewicz tại IEEFA cho biết có "mối lo ngại" rằng Pháp đang mua LNG, hóa lỏng lại vào lưới điện của Pháp và tái xuất sang các nước láng giềng.
"Một khi đã vào mạng lưới, bạn không thể theo dõi được. Điều đó có lợi cho cả bên xuất khẩu và bên mua" - bà Jaller-Makarewicz nói với DW. Điều này có nghĩa là khí đốt của Nga có thể được đổi tên thành khí đốt châu Âu khi đã vào hệ thống.
Thực tế này làm phức tạp thêm kế hoạch REPowerEU năm 2022 của EU - vốn hứa hẹn sẽ cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, thúc đẩy năng lượng tái tạo và đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Pawel Czyzak tin rằng trong khi EU đạt được những cột mốc lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, tổ chức này đang đi sai hướng khi nói đến nhập khẩu khí đốt.
"Những gì EU đã làm là chuyển từ nhà cung cấp rủi ro này sang nhà cung cấp rủi ro khác" - ông Czyzak nói.
Mặc dù LNG của Mỹ đang thống trị tại châu Âu, ông Czyzak đặt câu hỏi về độ tin cậy của nguồn cung này.
“Mỹ đang sử dụng vị thế quyền lực của mình để gây sức ép buộc châu Âu mua khí đốt và thậm chí đe dọa áp thuế khi châu Âu không tuân thủ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, thật khó để đánh giá liệu Mỹ có còn được coi là đối tác đáng tin cậy hay không" - ông Czyzak nhận định.
Bất chấp những nỗ lực đảm bảo nguồn khí đốt thay thế, giá năng lượng ở châu Âu vẫn ở mức cao. Vào năm 2024, giá khí đốt trên lục địa đã tăng 59%. Mặc dù giá đã giảm gần đây khi mùa sưởi ấm kết thúc, nhưng chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước chiến sự Ukraine. Điều này làm sâu sắc thêm bất lợi về chi phí công nghiệp của châu Âu so với Mỹ và Trung Quốc.
Nội bộ EU sẽ đoàn kết?
Thay vì thay thế khí đốt của Nga bằng một nhà nhập khẩu khác, các chuyên gia đồng ý rằng EU phải giảm tổng lượng tiêu thụ khí đốt của mình. Mặc dù việc giảm nhu cầu năng lượng cho các ngành công nghiệp có thể khó khăn, chuyên gia Jaller-Makarewicz cho rằng có thể giảm tiêu thụ năng lượng đối với các hộ gia đình châu Âu.

Lá cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: UNPLASH
Nhà phân tích của IEEFA lập luận rằng một "khởi đầu tốt" sẽ là xây dựng nhiều ngôi nhà cách nhiệt hơn, giúp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm cũng như thúc đẩy lắp đặt tấm pin mặt trời cho các hộ gia đình châu Âu.
Lộ trình của Ủy ban châu Âu về việc "thoát ly” khỏi năng lượng Nga hiện đang hướng đến các quốc gia thành viên. Mặc dù chỉ cần đa số phiếu đơn giản để thông qua, nhưng rủi ro chính trị là rõ ràng. Các quốc gia như Hungary, Slovakia và Áo — tất cả đều vẫn phụ thuộc vào khí đốt đường ống của Nga — đã phản đối các động thái tương tự trong quá khứ.
Ngoài Brussels, ngoại giao có thể làm mọi thứ phức tạp hơn nữa. Các cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine do Mỹ làm trung gian bao gồm nội dung nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga. Điều này có thể làm suy yếu quyết tâm của EU.
Do đó, chuyên gia Jaller-Makarewicz nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong EU khi nói đến năng lượng. "Chỉ khi các quốc gia thành viên có thể đoàn kết lại, tổ chức này mới có thể củng cố liên minh trong khi vẫn đảm bảo an ninh nguồn cung" - vị chuyên gia này lưu ý.
EU chuẩn bị đòn trừng phạt mới lên Nga, nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và Nord Stream
Ngày 16-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang soạn thảo một gói trừng phạt mới đối với Nga trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có vẻ khó có thể đạt được tiến triển, theo tờ Politico.
Bà von der Leyen cho biết EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt tham vọng hơn một loạt biện pháp mới được thông qua vào giữa tuần qua. Bà đề xuất nhắm vào các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream nối Nga với châu Âu, khu vực ngân hàng của Nga và cái gọi là đội tàu "bóng tối".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết cơ quan này đang xem xét hạ giá trần dầu thô của Nga. Mức giá trần hiện tại là 60 USD/thùng.