EU có hướng đi mới nhằm vào dầu Nga, bất ngờ với hành động của Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đưa mức giá trần thả nổi đối với xuất khẩu dầu của Nga vào gói trừng phạt thứ 18.

G7 và EU đã áp mức trần 60 USD/thùng với dầu Nga xuất khẩu qua đường biển. (Nguồn: TASS)
Cơ chế thả nổi nói trên nhằm mục đích phản ứng với những biến động của thị trường và làm suy yếu nguồn thu từ dầu mỏ của Nga - nguồn thu vẫn tiếp tục được dùng để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
EU sẽ thiết lập mức trần động ở mức thấp hơn 15% so với giá dầu trung bình của Nga trong 22 tuần trước, thay đổi so với mức trần cố định hiện tại là 60 USD/thùng đang được áp dụng.
Theo ước tính của Bloomberg, nếu được thông qua, mức trần thả nổi sẽ giảm giá dầu xuất khẩu của Nga xuống còn khoảng 50 USD/thùng.
Bốn quan chức EU xác nhận, khối sắp đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Trong cuộc họp ngày 13/7, Slovakia vẫn còn những phản đối về mặt kỹ thuật.
Mức giá trần là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của phương Tây nhằm hạn chế khả năng thu lợi nhuận của xứ bạch dương từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, tránh những cú sốc năng lượng toàn cầu.
Mức trần 60 USD được EU và Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra vào cuối năm 2022, được thiết kế để hạn chế thu nhập của Moscow mà không làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy dầu mỏ toàn cầu.
Tuy nhiên, sự biến động giá trong những tháng gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu mức trần này có còn hiệu lực hay không.
Các quan chức EU đã tạm dừng kế hoạch hạ mức trần vào tháng 6/2025, sau khi giá dầu thô Brent tăng vọt lên trên 79 USD/thùng sau cuộc không kích của Israel vào Iran.
Mặc dù mức tăng này khiến mức trần 60 USD/thùng có vẻ hợp lý nhưng giá đã nhanh chóng đảo chiều. Đến cuối tháng 6/2025, giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng. Dầu thô Ural của Nga - vốn được giao dịch ở mức chiết khấu từ 12-13 USD/thùng - được giảm xuống dưới mức trần.
Mỹ hiện tại đang phản đối lời kêu gọi hạ trần giá dầu. Washington được cho là đang tìm cách duy trì sự linh hoạt trong đàm phán với Nga.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu cho rằng cần có một cơ chế định giá linh hoạt hơn để duy trì áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.
Bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho hay, nếu không tham gia hạ giá trần dầu Nga, nhưng các quốc gia G7 khác đồng ý, khối sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này.
Ngành dầu mỏ của Nga đã có dấu hiệu căng thẳng dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt.
Xuất khẩu và sản lượng dầu thô của nước này đã giảm trong những tháng gần đây, trong khi những nỗ lực chuyển hướng dòng dầu sang châu Á gặp phải những rào cản về hậu cần và tài chính, bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng cao do lệnh trừng phạt của phương Tây.