EU bắt đầu 'kỷ nguyên mới' trong quan hệ với Trung Á

Tất cả các cường quốc đều quan tâm đến trữ lượng nguyên liệu thô khổng lồ của Trung Á, một khu vực rộng lớn như EU nhưng chỉ có khoảng 80 triệu người sinh sống.

Liên minh châu Âu (EU) đã ca ngợi sự khởi đầu của một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ với Trung Á khi hai bên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ở Uzbekistan vào ngày 4/4.

Hội nghị Thượng đỉnh có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và các nhà lãnh đạo từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.

Sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Tại Samarkand, một thành phố cổ trên Con đường tơ lụa ở Uzbekistan, ông Costa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương.

"Trong bối cảnh quốc tế ngày nay, tầm quan trọng của một trật tự đa phương hoạt động dựa trên luật lệ là không hề cường điệu. Cuộc họp của chúng ta hôm nay khuyến khích hợp tác nhiều hơn nữa giữa Liên minh châu Âu và Trung Á tại các diễn đàn đa phương, củng cố cam kết chung của chúng ta đối với một thế giới hòa bình và trật tự toàn cầu thịnh vượng", ông cho biết.

Ông Costa cũng đề cập đến những thách thức chung về an ninh, chỉ ra nhiều mối đe dọa, đáng chú ý là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và buôn bán ma túy có nguy cơ lan sang cả Trung Á và châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa tới Uzbekistan dự Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Á mang tính bước ngoặt, ngày 3-4/4/2025. Ảnh: Common Space

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa tới Uzbekistan dự Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Á mang tính bước ngoặt, ngày 3-4/4/2025. Ảnh: Common Space

Trong khi đó, bà Von der Leyen ca ngợi sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ EU-Trung Á, khởi động một "quan hệ đối tác chiến lược" được mô tả là cam kết hỗ trợ lẫn nhau.

Tại sự kiện, bà Von der Leyen đã công bố gói viện trợ trị giá 12 tỷ Euro cho Trung Á theo sáng kiến cơ sở hạ tầng quốc tế có tên "Global Gateway" (Cửa ngõ Toàn cầu) của EU, một biện pháp nhằm cạnh tranh với "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Người đứng đầu nhánh hành pháp của EU đã nêu bật 4 lĩnh vực hợp tác chính với 5 quốc gia Trung Á, bao gồm giao thông vận tải, nguyên liệu thô, năng lượng sạch và kết nối kỹ thuật số.

Định dạng "5+1" như vậy cũng đã được Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ưa chuộng, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang định vị chiến lược cho mình.

Tất cả các cường quốc đều quan tâm đến trữ lượng nguyên liệu thô khổng lồ của Trung Á, một khu vực rộng lớn như EU nhưng chỉ có khoảng 80 triệu người sinh sống.

"Các quốc gia của các vị được ban tặng nguồn tài nguyên khổng lồ", bà Von der Leyen lưu ý, nhấn mạnh lợi ích chiến lược của châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô của mình.

Tổng thống nước chủ nhà Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ca ngợi "sự chuyển đổi sâu sắc và lâu dài của Trung Á", nhấn mạnh sự hợp tác chưa từng có giữa các Tổng thống Trung Á và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Đối với Trung Á, nơi đang tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất sau nhiều thập kỷ căng thẳng, sự xích lại gần này với EU có thể cung cấp các công nghệ tiên tiến mà các đối tác truyền thống như Nga và Trung Quốc không thể cung cấp.

EU, nhà đầu tư khu vực hàng đầu (chiếm 40% tổng đầu tư) và là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính (khoảng 550 triệu Euro từ năm 2021 đến năm 2027), đóng vai trò quan trọng đối với khu vực dễ bị tổn thương do khí hậu này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đã đồng ý tổ chức Diễn đàn các nhà đầu tư vào cuối năm nay để đảm bảo nhiều khoản đầu tư hơn, đặc biệt là cho Hành lang vận tải xuyên Caspian, tuyến đường sẽ giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết để xuất khẩu hàng hóa giữa hai khu vực trong khi bỏ qua Nga.

Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ ý tưởng tổ chức các Hội nghị Thượng đỉnh tương tự 2 năm một lần.

Minh Đức (Theo Brussels Times, Euronews)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/eu-bat-dau-ky-nguyen-moi-trong-quan-he-voi-trung-a-204250405204102117.htm
Zalo