ESA kêu gọi châu Âu đầu tư công nghệ vũ trụ để tăng quyền tự chủ

Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher cho rằng các quốc gia châu Âu cần khẩn trương tăng đầu tư vào công nghệ không gian nhằm đảm bảo quyền tự chủ trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng bất ổn và gia tăng phụ thuộc vào Mỹ.

Galileo cung cấp dữ liệu vệ tinh có thể truy cập miễn phí để định vị, dẫn đường và xác định thời gian. Ảnh: ESA

Galileo cung cấp dữ liệu vệ tinh có thể truy cập miễn phí để định vị, dẫn đường và xác định thời gian. Ảnh: ESA

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian tại London, ông Aschbacher nhấn mạnh rằng bước ngoặt an ninh hiện nay tại châu Âu, đặc biệt sau sự trở lại của ông Donald Trump tại Nhà Trắng, buộc lục địa này phải củng cố năng lực vũ trụ riêng. “Có nhiều lĩnh vực trong không gian mà châu Âu cần tăng cường quyền tự chủ. Rõ ràng, trong một thế giới địa chính trị bất ổn, nhu cầu về quyền tự chủ ngày càng cấp thiết”, ông nói.

ESA hiện quản lý ngân sách 7,7 tỷ euro, hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Tuy nhiên, ngân sách của ESA vẫn nhỏ hơn đáng kể so với mức 25,4 tỷ USD của NASA. Thay đổi chính sách ngân sách dưới thời chính quyền ông Trump đã làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt trong các chương trình như Artemis, Trạm Vũ trụ Quốc tế hay kính viễn vọng James Webb.

Dù vẫn tin tưởng vào sự hợp tác với Mỹ, ông Aschbacher cho biết ESA đang chuẩn bị cho "kế hoạch B" trong trường hợp các đối tác Mỹ thay đổi lộ trình. ESA cũng đang mở rộng hợp tác với các quốc gia khác như Ấn Độ, Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Bên cạnh yếu tố chính trị, châu Âu cũng đang đối mặt với thách thức kỹ thuật khi các hệ thống phóng tên lửa Ariane 5 ngừng hoạt động và Vega C bị đình chỉ, buộc ESA phải phụ thuộc vào SpaceX để phóng một số vệ tinh. ESA đang thúc đẩy phát triển các loại tên lửa tái sử dụng như Prometheus nhằm giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài. Một số công ty tư nhân như Rocket Factory Augsburg của Đức cũng đang được hỗ trợ để tham gia thị trường phóng thế hệ mới.

ESA đặt kỳ vọng vào phát triển các cảng vũ trụ mới tại châu Âu, trong đó có cơ sở tại Shetland, Vương quốc Anh, nhằm tăng khả năng tự chủ trong hoạt động phóng vệ tinh. Dù không trực thuộc Liên minh châu Âu, ESA vẫn chịu một số tác động sau Brexit, đặc biệt liên quan đến phần tham gia của Anh trong chương trình Copernicus.

Bên cạnh mục tiêu an ninh – quốc phòng, ông Aschbacher khẳng định ESA sẽ tiếp tục tập trung vào nghiên cứu khoa học, với các dự án như vệ tinh theo dõi khí hậu, kính viễn vọng Euclid nghiên cứu vật chất tối và hệ thống đo gió bằng laser. Ông ví việc đầu tư vào công nghệ không gian giống như đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, yếu tố từng giúp khoa học châu Âu phát triển vắc-xin Covid-19 trong thời gian kỷ lục.

Ông nhấn mạnh rằng đầu tư vào không gian tại châu Âu cần được tăng cường để duy trì chất lượng cuộc sống và mức sống của người dân. Theo ông, khoa học là thế mạnh của châu Âu và chính yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/esa-keu-goi-chau-au-dau-tu-cong-nghe-vu-tru-de-tang-quyen-tu-chu-20250429105226575.htm
Zalo