Bài 1: Người Anh hùng tham gia trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi hoàn toàn

Nhận lệnh đánh chiếm, giữ cầu Bông và cầu Sáng để đại quân tiến vào Sài Gòn, ông bắt được Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Sư trưởng Sư đoàn 25 bộ binh ngụy. Ông chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND), Đại tá Lê Mạnh Hùng (SN 1950, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).

Trận đánh nhớ đời ở đèo Hà Lan

Tiếp phóng viên tại nhà riêng, Đại tá Lê Mạnh Hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) kể: “Quê tôi ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngày 15/7/1968 tôi nhập ngũ, sau 6 tháng huấn luyện được điều về Tiểu đoàn 12, Bộ Tư lệnh Đặc công (TLĐC). Thời điểm này, lực lượng đặc công chỉ có cấp Tiểu đoàn. Khi Bộ TLĐC thành lập Tiểu đoàn cơ động 20, tôi làm Tiểu đội trưởng, được điều sang Thượng Lào rồi vào Tam giác quỷ (tức Tam giác vàng) đánh phỉ Vàng Pao, sau đó Tiểu đoàn di chuyển về Pắc Xế (Lào) tham gia chiến dịch Nam Lào đánh trận Tà Ngàn diệt trại biệt kích chư hầu của đế quốc Mỹ”.

Trận Tà Ngàn, đơn vị ông Hùng được 1 cán bộ người Lào dẫn đi trinh sát, khi gần đến trại biệt kích thì trời gần sáng, không trinh sát được nên ông Hùng xin ở lại một mình. Do không đem theo giấy bút, chỉ có la bàn và ống nhòm nên ông Hùng dùng nhành cây châm vào lá rừng thành các sơ đồ (trại, nhà, xe tăng).

Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng trong Lễ ra mắt "Tuyến đường Sao Vàng" trong hẻm nhà ông.

Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng trong Lễ ra mắt "Tuyến đường Sao Vàng" trong hẻm nhà ông.

Sau khi được đồng đội vào đón, ông Hùng huấn luyện chiến sĩ rồi chỉ huy 1 toán quân quay lại nơi biệt kích dựng trại và diệt trọn ổ, bắn cháy 3 xe tăng. Trận Tà Ngàn thắng lợi, phá tan âm mưu của Mỹ dùng chư hầu tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Sau trận này, ông Hùng được điều vào Nam Saravane (Lào), tại đây có đại đội pháo chư hầu của Mỹ chặn hành lang đường mòn Hồ Chí Minh. Sau khi trinh sát, ông Hùng dẫn 1 tổ luồn vào diệt gọn sở chỉ huy pháo binh chư hầu, rồi trở về Tây Nguyên làm nhiệm vụ cho lực lượng chiến tranh Nhân dân ở Đắk Lắk, giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công cơ động 20.

“Giai đoạn này, tôi có 1 trận đánh nhớ đời là chốt giữ đèo Hà Lan (Buôn Hồ - Đắk Lắk) năm 1972 - 1973, nhằm kéo quân chủ lực của địch ra để đồng bào xung quanh nổi dậy. Trận này, tôi phụ trách khoảng 150 cán bộ chiến sĩ, đánh phòng ngự trong 28 ngày đêm. Đến ngày thứ 28, chúng tôi còn 3 khẩu súng (1 khẩu trung liên RPD dùng để bắn tỉa; 1 khẩu B40 với 10 quả đạn; 1 khẩu cối 60 giải phóng). Lúc đó, trên trời máy bay địch thả bom, dưới đất chúng dùng xe tăng, thiết giáp, bộ binh bao vây nhằm bắt sống bộ đội.

Đến 12 giờ trưa ngày cuối cùng, tôi đếm phía địch có 28 xe tăng và bộ binh, chúng tôi chờ đến 5 - 6 giờ chiều, khi những chiếc thiết giáp M-113 chạy vào, tôi chờ chúng cách 20m, rồi dùng B40 bắn 5 quả cháy 2 xe làm vật cản, khiến xe tăng không dám "bò" vào. Chúng tôi được lệnh rút lui, trận này có 5 - 7 đồng chí hy sinh; nhiều đồng chí bị thương, trong đó có tôi. Sau trận đèo Hà Lan, tôi được đồng đội đặt biệt danh “Hùng K2”, khiến địch nghe tới là khiếp vía” - Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng kể.

Trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng

Ngày 19/8/1974, Trung đoàn Đặc công 198 được thành lập, ông Lê Mạnh Hùng làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 20B. Trung đoàn Đặc công 198 có nhiệm vụ đánh tổng kho Mai Hắc Đế, là kho chiến lược của địch trên địa bàn Tây Nguyên, trữ gần 1.000 tấn đạn, các loại xe tăng, thiết bị quân sự cho mặt trận Tây Nguyên.

“Để bảo vệ tổng kho Mai Hắc Đế, địch lập hàng rào bằng tôn nhưng chỉ chôn 1/3 các tấm tôn dưới đất nhằm để phần trên lắc lư không thể cắt. Sau nhiều đêm trinh sát, chúng tôi quyết định khoét lỗ dưới mặt đất cách xa hàng rào để chui qua.

Đêm 9/3/1975, tôi chỉ huy một mũi đặc công với 16 chiến sĩ. Khi chúng tôi bò qua 2 lớp rào tôn, địch nghe tiếng động và ném lựu đạn vu hồi khiến đồng chí mũi phó hy sinh, đồng chí Sơn (trinh sát trong mũi của ông Hùng) bị cụt chân phải. Tôi động viên Sơn cố gắng chịu đau để băng bó, rồi đưa mũi phó cùng Sơn ra ngoài. Tôi tiếp tục cùng đồng đội bò vào lần nữa, không may tất cả rơi xuống hào chống tăng của địch (sâu 4m, rộng 2m).

Chúng tôi công kênh từng người lên hào, bò vào sát các điểm đã định, đúng 2 giờ 30 phút sáng 10/3/1975, mũi đặc công do tôi chỉ huy đồng loạt nổ súng mở màn chiến dịch. Khi nghe súng nổ đồng loạt, bên ngoài pháo binh của ta "rót" đạn vào kho và nhiều cứ điểm khác của địch tại Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên. Tổ do tôi phụ trách chiến đấu đến khoảng 5 giờ sáng cùng ngày đã chiếm giữ được khu cửa kho” - Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng kể tiếp.

Sau khi chiếm được khu cửa kho Mai Hắc Đế, ông Hùng cùng 5 chiến sĩ giữ cửa và cầm cự đến 9 giờ sáng, lúc đó xe tăng vào bắn sập hàng loạt lô cốt địch. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, mũi đặc công do ông Hùng chỉ huy đã làm chủ toàn bộ kho, đến tối bàn giao cho Sở Chỉ huy Mặt trận. “Trận này, Tiểu đoàn tôi tiêu diệt gần 100 tên địch, bắt sống 15 tên, phá hủy 3 xe tăng, thu nguyên vẹn hơn 100.000 tấn đạn pháo và toàn bộ phương tiện, vũ khí trong kho của địch” - Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng hồi tưởng.

Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng tại nhà riêng.

Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng tại nhà riêng.

Sau trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông Hùng được thăng chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Đặc công (Tiểu đoàn 20A), rồi củng cố đội hình đi giải phóng Đà Lạt chỉ với hơn 40 tay súng. Thời điểm đó, hầu như toàn bộ quân địch ở khu vực Tây Nguyên mỗi khi nghe tiếng súng của bộ đội, đã không đánh mà tự đầu hàng.

Đánh chiếm cầu Bông, bắt Lý Tòng Bá để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn

Sau khi giải phóng Đà Lạt, Tiểu đoàn 20A trở về Đắk Lắk, rồi hành quân về Củ Chi để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 237 xe tăng đánh chiếm và giữ cầu Bông, cầu Sáng (Hóc Môn) mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Lúc 3 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, đơn vị tôi nổ súng đánh chiếm, giữ cầu Bông. Lúc đó chỉ huy chưa xác định được mục tiêu nên du kích Củ Chi dẫn đường để đồng chí Nông Văn Khìn (quê huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) chỉ huy đánh, chiếm giữ cầu Bông. Đến 5 giờ cùng ngày, Trung đoàn Đặc công 198 nổ súng đánh, chiếm giữ cầu Sáng. Sau khi bị mất cầu, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 bộ binh ngụy điều chi đoàn xe tăng, bọc thép với 13 - 14 chiếc cùng bộ binh phản công nhằm chiếm lại cầu.

Chúng tôi dùng B40 bắn cháy nhiều xe, địch khép đội hình rẽ theo chữ V để bao vây. Tôi gặp một người mẹ đeo khăn rằn, nhờ mẹ phất cờ gọi địch đầu hàng, nếu lính cộng hòa buông súng thì bộ đội không bắn. Ngay sau đó, Lý Tòng Bá dẫn 2 người con gái chạy tới xin đầu hàng. Tôi bắt giao cho du kích, mãi sau này tôi mới biết ông ta là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 bộ binh ngụy. Đến trưa 30/4/1975, trên radio phát đi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn” - Anh hùng LLVTND Lê Mạnh Hùng tiếp lời.

Ngày 3/6/1976, Trung đoàn Đặc công 198 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Hùng trở về Quân đoàn 3 sang Campuchia đánh Tập đoàn Pôn Pốt và giữ chức vụ Đoàn phó 198, đổ bộ xuống Phnom Penh để giải cứu Hoàng thân Norodom Sihanouk (1922 - 2012).

“Lúc đó quân ta đánh quá nhanh, nên Đoàn 198 được giao nhiệm vụ tăng cường Quân khu 9 đánh Tà Keo, thọc thẳng xuống Sihanoukville chi viện Lữ 126 Đặc công nước. Do Đoàn trưởng bị thương nên tôi phụ trách, đánh xong trận này, tôi nhận lệnh ra biên giới phía Bắc đánh ở mặt trận Lạng Sơn” - ông Hùng nói.

Sau năm 1979, ông Lê Mạnh Hùng được cử sang Liên Xô học quân báo. Năm 1984, Binh chủng Đặc công thành lập Đoàn Đặc công 198 (nay là Lữ đoàn Đặc công 198, đóng tại Đắk Lắk) để diệt Fulro, ông Lê Mạnh Hùng giữ chức Lữ đoàn trưởng Đặc công 198, đến năm 2005, ông Hùng nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

(Còn nữa)

Ngày 30/8/2018, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại tá Lê Mạnh Hùng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-1-nguoi-anh-hung-tham-gia-tran-mo-man-chien-dich-tay-nguyen-thang-loi-hoan-toan.689370.html
Zalo