Equinor lập mảng kinh doanh mới, đón đầu xu thế trong lĩnh vực điện
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) vừa công bố sẽ hợp nhất toàn bộ tài sản năng lượng tái tạo và tài sản điện linh hoạt vào một mảng kinh doanh mới, nhằm đón đầu xu hướng nhu cầu điện toàn cầu tăng mạnh.

Equinor lập mảng kinh doanh mới, đón đầu xu thế trong lĩnh vực điện. Ảnh AFP
Theo Equinor, nhu cầu điện đang bùng nổ nhờ quá trình điện khí hóa trong công nghiệp, đời sống và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các trung tâm dữ liệu. Trong hai thập kỷ qua, tập đoàn này đã không ngừng mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời.
Ngoài ra, Equinor cũng đầu tư vào các nhà máy điện khí và hệ thống lưu trữ năng lượng – yếu tố quan trọng để hỗ trợ các nguồn tái tạo vốn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
“Việc kết hợp các danh mục điện và năng lượng tái tạo sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tạo thêm giá trị nhờ năng lực giao dịch sẵn có. Chúng tôi muốn tăng tính cạnh tranh và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng của thị trường điện”, Equinor cho biết trong thông cáo.
Mảng kinh doanh mới, mang tên Power, sẽ tập hợp toàn bộ tài sản năng lượng tái tạo cùng các tài sản điện linh hoạt hiện thuộc bộ phận Tiếp thị, Trung nguồn và Chế biến (MMP). Mục tiêu là xây dựng một chiến lược thống nhất, dài hạn cho lĩnh vực điện và năng lượng. Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch khí đốt – điện và bộ phận phân tích thị trường sẽ vẫn do MMP phụ trách.
Ông Helge Haugane, hiện là người đứng đầu mảng khí đốt và điện tại MMP, đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch điều hành của mảng Power.
“Việc hợp nhất các hoạt động liên quan đến điện sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn, cả về công nghệ, thị trường lẫn mô hình sở hữu”, ông Haugane chia sẻ. Equinor sẽ chính thức áp dụng cơ cấu tổ chức mới từ tháng 9 tới.
Equinor điều chỉnh chiến lược
Trong năm nay, công ty đã hạ mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm kỳ vọng công suất lắp đặt xuống còn 10–12 gigawatt (GW) vào năm 2030. Đồng thời, Equinor cũng từ bỏ kế hoạch dành 50% tổng vốn đầu tư cho các dự án tái tạo và giải pháp carbon thấp trước cuối thập kỷ này.
“Chúng tôi đã tinh gọn danh mục dự án tái tạo và giải pháp carbon thấp, cắt giảm chi phí và điều chỉnh dòng tiền ở giai đoạn đầu để tối ưu hóa giá trị cho cổ đông”, Equinor cho biết trong báo cáo tài chính quý I công bố ngày 5/2. Theo đó, các dự án hiện tại được kỳ vọng đạt mức lợi suất vốn chủ sở hữu trung bình trên 10% trong suốt vòng đời.
“Ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định đầu tư của Equinor là tạo ra giá trị”, công ty nhấn mạnh.
Dù cắt giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo, Equinor vẫn giữ nguyên cam kết với mảng thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Mục tiêu của công ty là lưu trữ từ 30 đến 50 triệu tấn CO₂ mỗi năm vào năm 2035. Hiện Equinor đang vận hành cũng như phát triển hệ thống lưu trữ với công suất 2,3 triệu tấn/năm, cùng các giấy phép tiềm năng có quy mô trên 60 triệu tấn CO₂/năm.
Công ty cũng tái khẳng định mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải trực tiếp (Scope 1 và 2) vào năm 2030. Tuy nhiên, Equinor lưu ý tiến độ chuyển đổi sẽ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ và các cơ hội trên thị trường để đảm bảo duy trì hiệu quả đầu tư.
Về chỉ số cường độ carbon ròng, công ty đã điều chỉnh mục tiêu giảm còn 15–20% vào năm 2030 và 30–40% vào năm 2035 – thấp hơn so với các kỳ vọng trước đó.
Song song với việc thu hẹp quy mô đầu tư xanh, Equinor đang hướng đến việc đẩy mạnh khai thác dầu khí. Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng thêm 10% trong giai đoạn 2024–2027, đồng thời nâng dự báo sản lượng năm 2030 từ 2 triệu lên 2,2 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày (MMboed).