Em Hằng của đời tôi

Tôi và đồng đội ở trung đoàn bộ binh chiến đấu mặt trận biên giới Tây Nam, băng qua gian nguy, chịu nhiều đau thương, mất mát. Hồi ấy, tôi nghĩ rằng mình khó có thể vượt qua được trong lửa đạn chiến tranh. Cái chết có thể ập đến bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Đồng đội tôi, biết bao người trai anh dũng hy sinh nơi chiến trận, biết bao người bị thương tật mất đi phần thân thể.

Năm 1978, quân Khmer Đỏ do Pôn Pốt cầm đầu đã nổ súng tấn công miền biên giới Tây Nam sát hại hàng chục ngàn dân thường ở Sa Mát, Tây Ninh, ở Ba Chúc, An Giang. Pôn Pốt hoang tưởng rằng có thể thiết lập một xã hội cuồng tín là những kẻ tàn sát đồng loại để thống trị. Hàng triệu người dân Campuchia đã bị giết hại bởi chế độ diệt chủng tàn khốc. Hố xương người ở nhà tù Toul Sleng, Stungtreng là chứng tích ghê rợn, đống sọ người còn in dấu búa đập của bọn đao phủ.

Tháng 12 năm 1979, theo tiếng gọi của Tổ quốc đang cơn nguy biến, tôi và Khánh đã xếp lại bút sách, tạm biệt người thân yêu, khoác bộ quân phục xanh màu lá, xông pha gian khổ. Tôi nhớ hôm ấy mưa xuân bay lất phất, hạt mưa li ti rơi trên vai áo sờn của đoàn người đưa tiễn. Trên khuôn mặt ưu tư của các mẹ già, nước mắt rưng rưng cố nén sợ mềm lòng chiến sĩ ra mặt trận. Bé Hằng em gái của Khánh năm đó 14 tuổi, đôi mắt xoe tròn, tóc thắt đuôi gà bằng dây thun màu xanh ngọc. Em bối rối thẹn thùng lấy ra từ trong cặp cây bút máy hiệu Hero: “Em tặng anh làm kỷ niệm. Anh Phương nhớ viết thư cho em!”. Tôi cười xoa đầu em: “Anh cảm ơn em! Em ở nhà cố gắng học giỏi nghen!”. Đôi má bầu ướt lệ tuôn rơi. Khánh ôm em gái vào lòng: “Em đừng khóc, vài năm nữa anh về sẽ mua quà cho em”. Bé Hằng mếu môi xinh, bịn rịn, nắm níu bàn tay chúng tôi. Hình ảnh cảm động ấy khắc sâu vào trong trái tim tôi.

Tôi và Khánh được bổ sung về đại đội trinh sát của trung đoàn 29, sư đoàn 307. Những trận chiến ác liệt đã nổ ra trên suốt trục hành lang từ Cầu Cháy đến ngầm Xa-Em. Cao điểm là trận đánh tại khu vực AnlungVeng, căn cứ quan trọng của địch dọc triền núi lần lượt bị quân ta tiêu diệt. Chúng lui về co cụm trên điểm cao giáp biên giới Thái Lan. Cuối năm 1983, đơn vị trinh sát của quân tình nguyện Việt Nam đi tiên phong khảo sát địa hình, chuẩn bị chiến dịch đánh chiếm sào huyệt 547 của quân Pôn Pốt trên dãy núi Đăng Rếch. Đây là trận đánh lớn có hiệp đồng của nhiều sư đoàn, các binh chủng pháo binh, thiết giáp, cao xạ và các đơn vị đặc công đánh bọc hậu, bủa vây, quyết tâm tiêu diệt, xóa sổ căn cứ 547.

Đội trinh sát do đại đội trưởng Nguyễn Khắc Phùng trực tiếp chỉ huy hành quân bí mật lên điểm cao nhằm xác định đúng thực địa, vẽ bản đồ địa hình, chấm tọa độ, vạch phương hướng để quân ta hành quân thuận lợi. Chuyến đi trinh sát được giữ bí mật tuyệt đối. Tránh bãi bằng, lán trống, đường mòn, chúng tôi hành quân trong rừng rậm, triền đồi, quan sát ghi nhận dấu giày lạ trên vạt bùn, ngọn cỏ bị xéo lên, mạng nhện giăng ngang đường bị vướng.

Hai ngày hành quân, lính trinh sát phát hiện đường mòn vòng vèo lên điểm cao. Toàn đội cảnh giới, Khánh thận trọng quan sát, trải rộng tấm tăng nhựa cho đồng đội vượt qua đường. Khánh tiến sau cùng, xếp gọn tấm tăng, xóa dấu vết. Trước mắt chúng tôi, điểm cao 547 ngạo nghễ chồm lên chập chùng đồi núi dãy Đăng Rếch. Vách đá tai mèo lởm chởm xám ngoét như muốn chọc gan người lính trinh sát. Ở phía xa, rừng khộp trải dài tít tắp, con đường chiến lược như vệt rắn bò loằng ngoằng. Xe vận tải như con bọ nhỏ xíu di chuyển lẩn khuất, ẩn hiện sau những vòng cua ngoặt, hoặc bò trườn lên xuống con dốc hai bờ suối cạn. Từ trên sườn núi, tôi thấy mây khói mờ mịt chân trời xa, hoàng hôn buông bức màn nhung rực chói màu lửa, rồi chìm dần trong khoảng tối nơi rừng núi hoang vu.

Trên chặng đường hành quân tôi say ngắm cây bút máy kỷ niệm, thả nỗi nhớ về quê hương. Tôi da diết nhớ bé Hằng, mái tóc đuôi gà, dây thun màu xanh ngọc sáng lên niềm tin trong tôi. Phiên gác đêm tôi và Khánh tựa lưng nhau lắng nghe động tĩnh của núi rừng. Thú rừng ăn đêm xoạc lá khô. Chim đớp muỗi vỗ cánh lạch phạch nghe giật mình. Tiếng súng lẻ bắn hú họa dội vách đá âm vang thinh không. Khánh bảo tôi: “Nhớ nhà quá, Phương ơi!”. Tôi gật đầu: “Ừ, mong trận 547 này là trận cuối cùng thắng lợi. Dẹp xong bọn Pôn Pốt, tụi mình về nhà tiếp tục đời sinh viên”. Tôi thì thầm: “Mình thích trồng cây xanh, xong đại học nông nghiệp về xây dựng một khu vườn xanh tốt, hoa trái đầy cành. Mình thích nhất trái xoài khi chín ửng như đôi má con gái dậy thì, nhìn cũng thích, ngửi cũng thích, thật thơm ngon”. “Phương nói làm mình phát thèm rỏ dãi đây nè. Mình thì mê văn thơ, sẽ theo nghiệp văn chương, trở thành nhà văn viết được nhiều tác phẩm dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, danh tiếng mình nổi như cồn”. Hai đứa thả hồn lâng lâng. Sự tưởng tượng mặc sức tung hoành trong tâm trí.

Ba giờ khuya, lính trinh sát nghe tiếng gà gáy văng vẳng, anh Phùng triển khai hoạt động trong ngày thứ ba. Chúng tôi chọn hướng đi hiểm trở để giữ bí mật. Vách đá trước mặt dựng đứng cao hơn mười mét. Mỏm đá sắc nhọn nhô ra như nanh vuốt. Cây rừng to lớn, cành lá rậm rạp vươn cao. Anh Phùng đi tiên phong, vũ khí trang bị sẵn sàng, AK báng gấp khoác vai, thắt lưng giắt năm trái lựu đạn, cả đội thận trọng vượt lên vách đá. Trong khoảng tối mờ của đêm khuya, chúng tôi nhìn thấy cứ điểm của địch. Những nhà sàn nối tiếp nhau trên trục đường vận chuyển từ bên địa phận Thái Lan thông qua dãy núi Đăng Rếch. Anh Phùng xác định kho vũ khí đạn dược nằm tách biệt, kho hậu cần quân lương, nhà ở bọn chỉ huy túm tụm nhau. Ánh đèn xuyên qua phên tre hắt ra hàng rào phòng thủ. Khánh cố ghi nhớ chi tiết và vẽ lại sơ đồ thực địa. Đó là sở trường của Khánh, những năm học phổ thông Khánh say mê môn học địa lý. Bản phác thảo sơ đồ căn cứ 547 của Khánh sau này được ban tham mưu tác chiến của mặt trận đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự thành công trong chiến dịch 547.

Đội trinh sát khẩn trương rời điểm cao lúc bốn giờ rưỡi rạng sáng. Tình huống nguy hiểm dự báo đã xảy ra, đội trinh sát lạc vào bãi mìn của địch. Là người thứ ba trong đội hình hành quân, Khánh giẫm lên kíp nổ của quả mìn KP2. Đi sau Khánh 5 mét, tôi thấy từ bên dưới đôi chân Khánh, lực đẩy khủng khiếp tung lên quầng lửa sáng gắt lẫn trong đám khói trắng xám. Âm thanh tiếng nổ xé toạc không gian quét xoáy trong óc. Áp lực công phá đẩy tôi văng lên như cánh diều bị gió giật đứt dây rồi rơi uỵch xuống vạt cỏ. Sự việc xảy ra chớp nhoáng như cú sét. Đôi chân tôi bị mảnh vỏ mìn phạt ngang giập nát bắp chân. Đau đớn lê người tới bên Khánh, tôi muốn khóc lên. Thân thể của Khánh bị phá nát ở giữa thắt lưng gần như bứt thành hai mảnh, đôi mắt thẫn thờ nhìn tôi chăm chăm. Tôi nắm tay Khánh: “Khánh ơi!... Khánh ơi!”, nhưng Khánh đã vĩnh biệt tôi rồi. Anh Phùng bước tới vuốt nhẹ đôi mắt Khánh, mí mắt khép lại cuộc đời trai trẻ, vĩnh viễn đóng chặt lại rồi những ước mơ.

Đường về còn cách 30 kilômét vượt qua nhiều dãy đồi, anh Phùng quyết định tách đôi thân xác của Khánh gói vào balô để cả đội thay phiên nhau cõng về tới tiểu đoàn 7. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Nghị lệnh cho bác sĩ khâu xác Khánh, khâm liệm, đắp lên Khánh lá quốc kỳ đỏ thắm. Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Khánh diễn ra tại nghĩa trang Xa-Em. Hai hàng vệ binh bồng súng chào tiễn biệt trong khúc mặc niệm trầm hùng. Tôi ngước mặt nhìn lên trời cao lồng lộng, bóng mây lãng đãng trôi về phương trời nào xin nâng đỡ linh hồn đồng đội tôi về cõi vĩnh hằng.

Những ngày ở quân y viện sư đoàn 307, bóng chiều úa vàng khơi nỗi nhớ thương đồng đội, tôi chống gậy khập khiễng tìm tới nghĩa trang Xa-Em để chuyện trò với người nằm xuống. Mùa mưa dầm dề thấm đất, cỏ non phủ lên những nấm mộ xanh rì. Thân xác các anh đang trở về với đất, nhưng linh hồn còn lẩn khuất đâu đây nơi bờ cây ngọn cỏ. Tôi rảo bước giữa những hàng mộ xếp hàng thẳng tắp, rừng xanh xòe tán lá che bóng mát. Tâm trí tôi chìm trong sương khói hoàng hôn vây phủ, tôi thầm thì khấn nguyện: “Khánh ơi! Đồng đội của tôi ơi! Vong linh các anh hãy được bằng an. Cuộc chiến này đã đến ngày kết thúc. Quân ta thắng trận giải phóng căn cứ 547 rồi! Bọn Pôn Pốt thất thủ, chế độ diệt chủng sụp đổ hoàn toàn”. Vài tháng sau chuyến xe vận tải đến chuyển các anh về nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Nghĩa trang Xa-Em như một trạm khách đón đưa hàng trăm lượt người trai trẻ về nơi cát bụi. Giọt lệ xót thương rưng rưng trên đôi mắt tôi còn đọng lại băn khoăn, day dứt đến cuối cuộc đời.

Sau hai lần chuyển viện điều trị thương tật, tôi xuất ngũ trở về quê hương tới thăm nhà Khánh, lòng nặng trĩu ưu tư. Ba mẹ Khánh tóc bạc phơ vì thương nhớ con mình. Trước di ảnh đồng đội, tôi thành tâm dâng nén hương khấn nguyện linh hồn Khánh nếu còn phiêu bạt nơi núi rừng biên giới hãy mau về với quê nhà. Tôi sống với tâm trạng buồn rầu. Trong giấc ngủ nặng nề tôi vẫn thường mơ thấy tiếng xung trận vang rền, tiếng đạn nổ đì đùng, những thân xác đẫm máu. Đồng đội tôi hiện về nắm chặt tay tôi, muôn mặt người cười, khóc, buồn, vui, suy tư, u uẩn. Tôi làm bạn với men rượu. Nỗi đau thương khiến thân xác tôi liêu xiêu, tinh thần suy sụp trong mấy năm dài.

Bé Hằng bây giờ đã là thiếu nữ dong dỏng cao. Em ngồi bên tôi lắng nghe tôi kể chuyện chiến trường, những nơi tôi đã đi qua và những trận đánh khốc liệt. Chuyện Khánh hy sinh trên điểm cao 547. Nỗi xót thương dâng lên trong lòng, đôi mắt em ướt lệ. Tôi muốn xoa đầu an ủi em, nhưng tôi rụt tay lại. Em đâu còn là cô bé như ngày xưa. Sự mặc cảm của người lính bị thương tật ngày càng lớn trong tôi. Em son trẻ, xinh đẹp như nụ hoa. Còn tôi thì già cỗi, chân què liêu xiêu.

Lần ấy, em tới thăm khi men rượu say mềm vật tôi ra giữa nền nhà. Tôi be bét, thảm hại giữa cảnh nhà xộc xệch. Em tóm lấy tôi, kéo tôi dậy đặt lên gường, lấy khăn thấm ướt lau mặt cho tôi. Em khóc mếu: “Anh Phương! Anh không được uống rượu nữa”. Tôi hất tay em: “Cô là gì mà cấm tôi hả? Cô đừng giả bộ thương hại tôi. Đời tôi tàn rồi, đưa chai rượu cho tôi!”. Em trừng mắt quát lên: “Anh là đồ hèn. Anh là đồ bạc nhược!”. Em vung tay quăng chai rượu vụt ra cửa sổ. Tôi trố mắt nhìn em, cơn giận khiến đôi má em đỏ rực. Bàn tay em trỏ ra run bần bật trước mặt tôi. Em buồn bã, lặng lẽ quét dọn những cái lộn xộn, dơ bẩn trong căn phòng tôi.

Lần nữa em lại tới, tôi đang buồn rầu suy nghĩ vẩn vơ. Khung cửa nhìn ra vườn ngập cỏ dại. Em mặc chiếc áo lụa hồng ngồi bên tôi. Làn hương thơm ngát ập vào căn phòng. Em cầm chiếc hộp mở ra cho tôi xem kỷ vật mà em đã cất giữ- những lá thư tôi viết gởi em từ địa chỉ HT 5504…- miền chiến trận khốc liệt, hoang địa khét lẹt mùi thuốc súng.

Trái tim tôi rung lên nhịp đập mạnh mẽ. Tôi lục tìm trong balô. Đây rồi! Cây bút máy hiệu Hero của em đã theo tôi mấy năm dài chinh chiến! Tôi chợt nhớ về buổi tiễn đưa hôm ấy: Bé Hằng 14 tuổi, đôi mắt xoe tròn bịn rịn nắm tay tôi không nỡ rời xa. Em Hằng bây giờ là tình yêu của tôi! Hằng nâng bàn tay tôi áp vào má em. Đôi trái tim rộn ràng giai điệu tình yêu. Lòng tôi như mạch nguồn tinh tuyền được mặt trời chiếu sáng. Giọt lệ yêu thương rơi xuống vườn xuân hạnh phúc. Tôi vuốt làn tóc em bên vầng trán. Hào quang rực sáng khuôn mặt em soi rọi tâm hồn tôi. Đó là khi cuộc đời tôi mở ra sự khởi đầu mới. Tôi và Hằng tay trong tay dìu nhau bước đi trên đường đời với tình yêu thương vô hạn. Tôi ngàn lần cảm ơn em. Tình yêu của em dìu đưa tôi về đến bến bình yên.

TRUYỆN NGẮN: NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/em-hang-cua-doi-toi-127029.html
Zalo