Elon Musk có thể là cầu nối cho quan hệ Mỹ - Trung
Chuyên gia cho rằng các chính sách kinh tế thực dụng và đối thoại mang tính xây dựng từ cả Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực hơn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế.
Bất chấp những bất ổn địa chính trị và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, các chuyên gia vẫn lạc quan về tiềm năng hợp tác giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cầu nối quan trọng
Bà Roberta Lipson, người có hơn 40 năm kinh nghiệm đầu tư tại Trung Quốc và từng là Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China), nhận định rằng các chính sách kinh tế thực dụng và đối thoại mang tính xây dựng từ cả hai phía có thể tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực hơn, theo SCMP.
Theo bà, các doanh nhân Mỹ có những khoản đầu tư đáng kể tại cả Mỹ và Trung Quốc, chẳng hạn như Elon Musk, có thể đóng vai trò như những cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác. Những cá nhân này cho thấy giá trị chung của sự hợp tác - từ đổi mới công nghệ đến tạo việc làm.
Bà Lipson, người vừa kết thúc nhiệm kỳ tại AmCham China vào cuối năm 2024, chia sẻ rằng niềm tin và sự thấu hiểu được xây dựng qua các mối liên kết như của Musk là rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức địa chính trị.
Elon Musk, với nhà máy sản xuất xe điện lớn tại Thượng Hải, không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp xanh mà còn đóng góp quan trọng trong việc kết nối hai nền kinh tế.
CEO Tesla đã có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 4/2024, trong đó ông gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Trong một động thái mới, ông được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn để dẫn dắt một tổ chức phi chính phủ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ thông qua việc cắt giảm chi phí và quy định hành chính.
“Việc duy trì các kênh đối thoại mở và tập trung vào việc tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được là điều thiết yếu đối với cả hai chính phủ”, bà Lipson nói.
Bà cũng nhận định rằng các chính sách thuế quan và thương mại rộng hơn đã trở thành những cơn gió ngược đối với doanh nghiệp Mỹ trong vài năm qua.
Bà kêu gọi chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump ưu tiên ổn định trong quan hệ song phương.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau khi thắng cử vào tháng 11/2024, ông tiếp tục tuyên bố trên mạng xã hội rằng sẽ áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bà Lipson cho rằng các mức thuế cao không phải là giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc, bởi chúng gây ra hệ lụy ngoài ý muốn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Hiện các con đường hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề là tham gia hợp tác đa phương và sử dụng các cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Qua các nỗ lực vận động trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng tăng cường hợp tác - ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp - có thể mang lại tiến bộ, dù đó là giảm bớt rào cản hay mở ra các cơ hội hợp tác mới”, bà nói.
Những dấu hiệu tích cực
Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này đã giảm 28% trong 11 tháng của năm 2024, đạt 749,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 102,7 tỷ USD). Dù vậy, đà giảm sút này vẫn thấp hơn mức giảm 30% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 cùng năm, cho thấy một số tín hiệu tích cực.
Theo khảo sát của AmCham China, khoảng 52% doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng tăng đầu tư nếu Trung Quốc mở rộng quyền tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn mong đợi những cải cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các khung pháp lý minh bạch, nhất quán và tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Lipson chia sẻ: “Minh bạch và đối thoại mở giữa chính phủ và doanh nghiệp là yếu tố thiết yếu để khôi phục niềm tin.”
Bà cũng chỉ ra 4 lĩnh vực hợp tác song phương được coi là thiết yếu cho tương lai chung, bao gồm: môi trường, y tế công cộng, giáo dục và trao đổi văn hóa. Đây là những lĩnh vực không chỉ đáp ứng lợi ích đôi bên mà còn góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến đại dịch.
Để thúc đẩy quá trình này, bà Lipson nhấn mạnh rằng cần tập trung vào các mục tiêu chung như thúc đẩy đổi mới, giải quyết các thách thức y tế toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng bao trùm.
Trong lĩnh vực y tế, bà nhấn mạnh những cải cách quan trọng như việc cho phép các bệnh viện thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài và mở rộng quyền tiếp cận liệu pháp gen.
“Chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong việc cho phép sự tham gia lớn hơn của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính”, bà nói.
Mặc dù còn nhiều thách thức, bà Lipson bày tỏ sự lạc quan thận trọng về những tín hiệu tích cực từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cam kết hỗ trợ đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng.
Bà nhận định với vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường Trung Quốc vẫn là điểm đến quan trọng đối với các công ty Mỹ.