EIA: Các nước ngoài OPEC+ sẽ dẫn dắt nguồn cung dầu mỏ trong năm 2025 và 2026
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo rằng sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng chủ yếu từ các nước ngoài OPEC+ trong năm 2025 và năm 2026.

Hình minh họa
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 2 (STEO), EIA ước tính nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm lỏng khác trên thế giới đã tăng khoảng 0,6 triệu thùng/ngày (bpd) trong năm 2024 và sẽ tăng thêm 1,9 triệu bpd vào năm 2025, cũng như 1,6 triệu bpd vào năm 2026. Động lực tăng trưởng chính đến từ 4 quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ: Mỹ, Guyana, Canada và Brazil. Trong khi đó, do chính sách kiềm chế khai thác của OPEC+, sản lượng của nhóm này dự kiến chỉ tăng 0,1 triệu bpd vào năm 2025 và 0,6 triệu bpd vào năm 2026.
Sản lượng dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC+ đã tăng 1,8 triệu bpd trong năm 2024 và tiếp tục được dự báo sẽ tăng 1,8 triệu bpd vào năm 2025 và 1,0 triệu bpd vào năm 2026. Theo EIA, mức tăng trưởng từ năm 2024 đến năm 2026 gồm 0,5 triệu bpd từ Canada, 0,3 triệu bpd từ Guyana và 0,3 triệu bpd từ Brazil. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ Mỹ, với mức tăng dự kiến 1,1 triệu bpd trong cùng giai đoạn.
Mỹ vẫn là nước khai thác dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ lỏng lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu thô Mỹ đạt 13,2 triệu bpd vào năm 2024, một phần nhờ vào việc nâng cao hiệu suất khai thác dù số lượng giàn khoan giảm. Dự kiến, sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng thêm 0,6 triệu bpd vào năm 2025 và 0,5 triệu bpd vào năm 2026. Riêng lưu vực Permian sẽ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ, đạt 13,7 triệu bpd vào năm 2026, giúp bù đắp sự sụt giảm sản lượng ở các khu vực khác.
Canada đứng thứ 4 thế giới về sản lượng dầu thô trong năm 2024, chỉ sau Mỹ, Ả Rập Xê Út và Nga. Sản lượng dầu mỏ của Canada dự kiến sẽ tăng 0,3 triệu bpd vào năm 2025 và 0,2 triệu bpd vào năm 2026, khởi điểm từ 6,0 triệu bpd vào năm 2024. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi dự án mở rộng đường ống Trans Mountain, giúp vận chuyển dầu từ Alberta ra bờ Tây Canada để tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Tại Brazil, EIA dự báo các nhà khai thác sẽ triển khai thêm các tàu chứa, xử lý và xuất dầu nổi (FPSO) tại các mỏ dầu thuộc bồn trũng Santos. Tàu FPSO Alexandre de Gusmão sẽ là đơn vị thứ 5 được lắp đặt tại mỏ Mero và bắt đầu khai thác vào giữa năm 2025. Cũng trong năm 2025, các tàu FPSO Almirante Tamandaré và P-78 tại mỏ Búzios dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Những dự án này sẽ giúp sản lượng dầu mỏ của Brazil tăng 0,1 triệu bpd vào năm 2025 và 0,2 triệu bpd vào năm 2026.
EIA cũng dự báo sản lượng dầu mỏ của Guyana sẽ tăng 0,2 triệu bpd vào năm 2025 và 0,1 triệu bpd vào năm 2026, nhờ vào dự án Yellowtail thuộc lô Stabroek. Lô Stabroek đang phát triển 3 dự án lớn là Yellowtail, Uaru và Whiptail, với tổng công suất khai thác dự kiến đạt khoảng 1,3 triệu bpd vào cuối năm 2027.
Trong năm 2024, các thành viên OPEC+ chiếm 47% (35,7 triệu bpd) tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. EIA dự báo sản lượng dầu thô của nhóm này sẽ chỉ tăng 0,1 triệu bpd vào năm 2025 khi họ dần nới lỏng hạn chế khai thác theo lộ trình đã thống nhất vào tháng 12/2024. Ngoài ra, mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu bpd được công bố vào tháng 11/2023 sẽ được kéo dài đến hết tháng 3/2025, sau đó sẽ được dỡ bỏ dần đến cuối tháng 9/2026. Các đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung 1,65 triệu bpd được công bố vào tháng 4/2023 cũng sẽ tiếp tục duy trì đến hết năm 2026.
EIA dự báo thị phần khai thác dầu toàn cầu của OPEC+ sẽ giảm xuống còn 46% vào năm 2025 và 2026, so với mức 53% vào năm 2016 khi nhóm mở rộng thành viên. Công suất khai thác dự phòng của OPEC vào năm 2024 đạt 4,6 triệu bpd, tăng 103% (2,3 triệu bpd) so với năm 2019.
Ả Rập Xê Út vẫn là nước khai thác dầu lớn nhất trong OPEC, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của nhóm. Vào năm 2024, Ả Rập Xê Út khai thác 9,0 triệu bpd, giảm 13% (tương đương 1,4 triệu bpd) so với năm 2022, trước khi OPEC+ gia hạn các đợt cắt giảm tự nguyện.
Trong số các thành viên OPEC+, Nga là nước khai thác dầu thô lớn nhất năm 2024 với sản lượng trung bình 9,2 triệu bpd. Xếp sau Nga và Ả Rập Xê Út, các nhà khai thác lớn tiếp theo trong nhóm là Iraq (4,4 triệu bpd), UAE (2,9 triệu bpd) và Kuwait (2,5 triệu bpd).