Ðể đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2024 với chủ đề 'Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc' thể hiện quyết tâm thực hiện công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Chủ đề năm nay mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với tầm chiến lược về phát triển và ổn định nguồn lực.
Ðến cuối năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Cà Mau là 105,6 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ này đạt mức tốt trong khu vực và cả nước, Cà Mau đang rút ngắn dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu như từ năm 2019, Cà Mau là 1 trong 22 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong toàn quốc, 1,85-1,90 con/cặp vợ chồng thì nay đã dần cải thiện và có sự chuyển biến.
Năm 2023, tỷ lệ này đạt 2,02 con/cặp vợ chồng, năm 2024 đạt 2,06 con/cặp vợ chồng và đang tiến về đích của mục tiêu đạt mức sinh thay thế. Tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh đạt trên 75 tuổi vào năm 2024 và vượt mức trung bình chung của cả nước.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị y tế trong tỉnh cũng đã tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, tăng cường tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; hỗ trợ công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh kiểm soát mất cân bằng giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS); thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, nhằm thích ứng với già hóa dân số...
Bác sĩ Ðỗ Chí Hiền, Phó chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cà Mau, thông tin: "Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, ngành dân số triển khai hiệu quả các chương trình, đề án theo định hướng dân số và Phát triển. Kết quả này góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng dân số và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".
Tuy nhiên, thách thức mà ngành dân số đang phải đối mặt là tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, bắt nguồn từ vấn đề già hóa dân số; mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đã tác động đến cấu trúc xã hội; chất lượng dân số chưa đồng đều và có sự chênh lệch giữa các vùng, miền.
Tỉnh Cà Mau vận động, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài, sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số. Hệ lụy khi thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số sẽ tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Bà Dương Thị Tú, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, chia sẻ: "Trước đây, mục tiêu chủ yếu là giảm sinh nên tuyên truyền, vận động "mỗi cặp vợ chồng có từ 1-2 con", tăng cường dịch vụ phòng tránh thai. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, do gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần khiến nhiều cặp vợ chồng có tâm lý không sinh con hoặc sinh ít con. Tình trạng này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh đang già hóa dân số".
Ðể thực hiện hiệu quả mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con về lợi ích của việc sinh đủ 2 con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ 2 con. Ðồng thời, nhân rộng mô hình hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình nhằm thực hiện hiệu quả mô hình phòng tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng, phát triển mạng lưới hỗ trợ CSSKSS.
Theo Bác sĩ Ðỗ Chí Hiền: "Ðể thực hiện hiệu quả mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là các dịch vụ y tế dành cho bà mẹ, trẻ em và thanh - thiếu niên. Ðồng thời, chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số".
Công tác điều chỉnh mức sinh hợp lý, CSSKSS cho thanh niên, vị thành niên, tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh cũng cần được chú trọng, để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.
Xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu với phương châm “sinh đủ con khỏe mạnh, cân bằng giới tính”, hướng tới xã hội tiến bộ, bình đẳng. Song song đó là ứng dụng khoa học - công nghệ để cải thiện dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin và dịch vụ.
Tháng 12, Tháng Hành động Quốc gia về dân số, dịp để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác dân số. Dân số khỏe mạnh, trí tuệ, có kỹ năng, sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để đất nước phát triển bền vững và gia đình hạnh phúc./.
Thanh Phương