Duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam
Chiều 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng Nghị định. Theo đó, việc xây dựng Nghị định nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Dự thảo Nghị định có 6 chương và 45 điều.
Theo Nghị định, đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Về phương thức hỗ trợ: chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Đây là hình thức hỗ trợ chi phí đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hạng mục hỗ trợ gồm: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Chi phí nghiên cứu và phát triển; Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và một số Ủy ban của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để bảo đảm công tác tổ chức thực hiện các nội dung đã được quy định trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung hỗ trợ tại dự thảo Nghị định hiện đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao và để đáp ứng điều kiện và tiêu chí hỗ trợ, các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ chủ yếu sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài, đa quốc gia. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ nguồn lực của Quỹ là không rõ rệt.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng được áp dụng hỗ trợ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia (thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu) trong lĩnh vực công nghệ cao, không bao gồm tất cả các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời cũng có những doanh nghiệp không nộp thuế tối thiểu toàn cầu (chẳng hạn do bị lỗ hoặc không thuộc đối tượng nộp thuế tối thiểu toàn cầu) vẫn được nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ; các doanh nghiệp trong nước sẽ khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để có thể được hưởng hỗ trợ từ Quỹ.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc quy định các đối tượng áp dụng tại dự thảo Nghị định là phù hợp, do vậy nhất trí với dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc để hướng tới mục tiêu Quỹ cũng được sử dụng cho việc khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư khác theo Nghị quyết 110/2023/QH15...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng nghị định của Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút, khuyến khích tất cả loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát nội dung chính sách trong dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; đồng thời đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; tránh xung đột pháp lý, nhất là các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Bên cạnh đó, xác định mục tiêu sử dụng Quỹ là đảm bảo hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Dự thảo Nghị định cần rà soát các điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chính sách; đảm bảo minh bạch về mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ; cân nhắc quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế "xin - cho" dẫn đến khiếu nại.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ. Việc quản lý Quỹ đảm bảo chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí đảm bảo minh bạch, khách quan.